Sau tháng 2 đầy sóng gió, chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhịp phục hồi tốt trong tháng 3. VN-Index thậm chí thiết lập chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp cuối tháng, qua đó ghi nhận mức tăng gần 4% trong tháng 3 tiến sát ngưỡng 1.065 điểm.
Song, dòng tiền vẫn "mất hút", giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 8.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 3. Trái lại, giao dịch khối ngoại lại là điểm sáng khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3.030 tỷ đồng, hầu hết đều là mua ròng trên kênh khớp lệnh.
Vậy diễn biến thị trường tuần giao dịch đầu tiên của quý 2 sẽ thế nào? Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
Sẽ không xuất hiện những cú giảm "sốc" trong thời gian tới
(Ông Lê Minh Hoàng, Phó giám đốc Khối Nghiên cứu & Đầu tư Chứng khoán EVS)
Nhiều khả năng, thông tin tích cực hạ lãi suất được đưa ra vào cuối tuần trước sẽ giúp phiên giao dịch đầu tuần mới trở nên hưng phấn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần duy trì tâm lý thận trọng khi mở vị thế mua tại thời điểm hiện tại. Việc VN-Index điều chỉnh nhẹ sau một chuỗi tăng dài là điều hết sức bình thường để củng cố cho một xu hướng tăng vững chắc hơn.
Những dự báo không quá lạc quan về KQKD quý 1 hoàn toàn có thể nhận thấy tại các cuộc họp ĐHĐCĐ, lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp của họ đang phải đối mặt. Hệ quả này phù hợp với bức tranh kinh tế không khả quan thời gian qua (tăng trưởng GDP thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 tăng trưởng âm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu suy giảm do nhu cầu toàn cầu yếu).
KQKD quý 1 kém sắc đã phản ánh phần nào trên thị trường chứng khoán. Do đó, sẽ không có những cú giảm "sốc" cho thị trường trong thời gian tới. Thời điểm hiện tại là phù hợp để các nhà đầu tư “làm bài tập”, tìm ra những cơ hội lớn ngay khi KQKD các doanh nghiệp quay đầu hồi phục mạnh mẽ.
Đây rõ ràng là những tiêu chí không thể giải quyết trong thời gian ngắn, do đó, việc Việt Nam được nâng hạng lên Emerging market vẫn còn là tương lai xa. Song, nhà đầu tư có thể tiếp tục kỳ vọng vào chứng khoán khi câu chuyện nâng hạng vẫn còn ở trước mắt. "Chúng ta có quyền mong đợi một giai đoạn bùng nổ của VN-Index khi vốn ngoại tràn vào Việt Nam".
Mặc dù, dòng tiền khối ngoại, đặc biệt từ các quỹ ETFs là nguyên nhân chính nâng đỡ thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng để VN-Index có đà tăng bền vững, sự quay lại của dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân cực kỳ quan trọng và đây mới là yếu tố cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
Khác với việc điều chỉnh lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), SBV điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở Việt Nam chủ yếu mang tính chất nhấn mạnh “định hướng” tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các cơ quan điều hành . Nhiệm vụ quan trọng thời điểm hiện tại là cởi bỏ "nút thắt" dòng tiền liên thị trường và Chính phủ đang rất nỗ lực giải quyết.
Về cơ bản, việc giảm lãi suất đã khiến định giá toàn thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, nhóm Đầu tư công vốn nhận được nhiều sự quan tâm của NĐT thời gian trước tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng này khi các doanh nghiệp nổi bật như HHV, C4G hay CTI đều vay nợ lớn, chi phí tài chính chiếm tỷ trọng đáng kể trên tổng chi phí của doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán đang dần tốt lên, NĐT nên tận dụng thời điểm các doanh nghiệp tốt công bố KQKD không quá khả quan để mua tích lũy với kỳ vọng bối cảnh vĩ mô đảo chiều, chính sách mở rộng sẽ là các động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này hồi phục.
Thị trường tiếp đà tăng điểm trong tháng 4, chú ý nhóm cổ phiếu bán lẻ
(Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC)
Quan sát quá trình tăng của VN-Index trong 9 phiên gần nhất, có thể thấy trạng thái tăng chưa đạt mức hưng phấn. Biên độ nến hẹp, thường xuất xuyên xuất hiện bóng nến phía trên, và thanh khoản luôn duy trì mặt bằng ổn định. Thị trường Việt Nam thường chỉ xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu sau khi tâm lý nhà đầu tư đã hưng phấn, và dễ vượt cản với đà tăng trong nghi ngờ. Do đó, VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng điểm lên mức cản tiếp theo 1.100-1.120 trong tháng 4.
Bên cạnh đó, dòng tiền nước ngoài dù có sự hạn chế do mặt bằng lãi suất cao tại châu Âu – Mỹ, nhưng lại tương đối dồi dào từ các nước khu vực châu Á. Vấn đề mấu chốt của hoạt động đầu tư tới Việt Nam đến từ “giá nào”.
Quan sát xu hướng giao dịch trong nhiều tháng gần nhất, khối nhà đầu tư ngoại chỉ mạnh tay giải ngân khi thị trường tiệm cận về vùng 1.000-1.020, trong khi đó chủ động chốt lời (dù không lớn) khi thị trường hướng về các vùng cản trên 1.060 điểm. Có thể thấy đây là dòng tiền linh hoạt và chủ động, áp dụng chiến lược “mua rẻ”, có tác động xây nền cho thị trường, hơn là thúc đẩy chỉ số vượt kháng cự.
Mới đây, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Ở lần điều chỉnh thứ 2, NHNN cuối cùng đã tác động đến lãi suất tái cấp vốn, một phần không nhỏ tới từ khả năng lãi suất điều hành của Fed đã tiệm cận về mức đỉnh 2023. Ở lần điều chỉnh trước, NHNN đón đầu giảm các mức lãi suất trừ lãi tái cấp vốn đề phòng trường hợp FED không giảm tốc độ tăng lãi suất.
"Đây là động thái để ổn định tỷ giá cũng như chuẩn bị cho tương lai, vừa là tiếp tục đẩy mạnh chủ trương hạ lãi suất , hỗ trợ doanh nghiệp".
Trong giai đoạn giải ngân đầu tư công còn chậm, việc để mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn 2022 và liên tục hạ lãi suất suất sẽ thay thế đầu tư công, duy trì cung tiền hỗ trợ nền kinh tế.
Về diễn biến các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu có độ nhạy với thị trường như bank-chứng-thép đã duy trì mặt bằng nền giá cao. Dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển mạnh sang nhóm bất động sản trong 1-2 tuần gần đây, "bỏ lại" cổ phiếu bán lẻ trở thành nhóm ngành cuối cùng vẫn “ngụp lặn” trong xu hướng điều chỉnh dài hạn. Tuy nhiên, bán lẻ là ngành có xu hướng tăng trưởng ổn định, và là một trong những nhóm ngành phòng thủ truyền thống. Do đó kỳ vọng xu hướng giá tiêu cực sẽ không kéo dài lâu.
Trong trường hợp nhà đầu tư không chấp nhận mặt bằng giá cao của các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, mức rủi ro của ngành bất động sản, và ưa thích chiến lược “bắt đáy giá rẻ”, có thể bắt đầu chú ý quan tâm dần tới nhóm cổ phiếu bán lẻ.
Tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng thị trường chứng khoán
(Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect)
Thị trường chứng khoán tiếp tục nhận được những thông tin hỗ trợ khá khả quan trong tuần qua. Điển hình như việc đại diện cơ quan quản lý cho biết NHNN sẽ sớm ban hành văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, NHNN đã phát đi thông điệp khá rõ ràng về đảo ngược chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Điều này sẽ có tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong những quý tới.
Đối với nhà đầu tư dài hạn: Có thể xem xét các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Theo thống kê lịch sử, thị trường chứng khoán thường có diễn biến tích cực trong giai đoạn chính sách tiền tệ được nới lỏng.
Tuy nhiên, lưu ý rằng điều này tính bằng quý, bằng năm chứ không có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh ngay lập tức trong tuần tới, tháng tới bởi chính sách tiền tệ hay lãi suất cần có thời gian thẩm thấu và phản ánh vào nền kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn: Chỉ số VN-Index đang tiếp cận vùng kháng cự 1.060-1.080 điểm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên có sự thận trọng nhất định và dừng lại quan sát diễn biến thị trường tại vùng này chứ không nên FoMo.
Đồng thời, duy trì tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải, duy trì trạng thái tiền mặt để có thể mua vào trong những nhịp điều chỉnh và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin.