Google đang hợp tác với các dược sĩ để tạo ra một mô hình AI có thể đọc được chữ viết tay nguệch ngoạc thường thấy trong đơn thuốc hoặc ghi chú của bác sĩ. Công ty đã trình diễn tính năng này tại hội nghị hàng năm ở Ấn Độ hôm 19/12.
Trong phần giới thiệu, người dùng có thể chụp ảnh đơn thuốc của họ hoặc tải ảnh đã chụp sẵn lên công cụ xử lý. Bất kỳ loại thuốc nào có trong ghi chú sẽ được nhận dạng. Tuy nhiên, tiến sĩ Manish Gupta, Giám đốc nghiên cứu của Google Ấn Độ, cho biết "vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hệ thống sẵn sàng cho thế giới thực".
Google vẫn chưa ấn định thời gian ra mắt chính thức. Dự kiến tính năng này sẽ trở thành một phần của Google Lens — công cụ AI của Google có thể dịch ngôn ngữ và nhận dạng các đối tượng khác nhau, có sẵn trong thanh tìm kiếm của Google.
"Công cụ sẽ hoạt động như một công nghệ hỗ trợ số hóa các tài liệu y tế viết tay dành cho những người trong ngành, chẳng hạn dược sĩ. Tuy nhiên, không có quyết định nào được đưa ra mà chỉ dựa trên kết quả do công nghệ này cung cấp", Google cho biết trên blog.
Time trích dẫn một nghiên cứu năm 2006 của Viện Y học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho rằng chữ viết tay của bác sĩ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. Vào thời điểm đó, chữ viết tay nguệch ngoạc của các bác sĩ được ước tính là nguyên nhân giết chết hơn 7.000 người mỗi năm và hơn 1,5 triệu người Mỹ bị tổn thương do dùng nhầm thuốc.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 1996 được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia cho thấy chữ viết tay của bác sĩ không tệ hơn chữ viết tay của những người không phải là bác sĩ.
"Nghiên cứu này không chứng minh được quan điểm phổ biến rằng chữ viết tay của bác sĩ xấu hơn những người khác", các tác giả kết luận. Nhưng họ thừa nhận chữ viết khó đọc là một nguyên nhân quan trọng gây lãng phí và nguy hiểm trong chăm sóc y tế.