Đầu tháng 12, công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI vừa công bố chatbot mới mang tên ChatGPT có khả năng trả lời câu hỏi như người thật. Chỉ cần đăng nhập đơn giản, người dùng có thể nói chuyện miễn phí với AI.
Theo Forbes, khác với InstructGPT, ChatGPT phản hồi trôi chảy, thừa nhận lỗi sai, từ chối các yêu cầu không phù hợp một cách lưu loát, giống như một cuộc trò chuyện thực tế.
Tuy nhiên, công nghệ mới này đặt ra thách thức với cán bộ tuyển sinh đại học - những người đánh giá thí sinh qua các bài luận cá nhân, thay vì các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Lo ngại trên đặc biệt quan trọng đối với các trường mong muốn hiểu về thí sinh thông qua bài luận đầu vào.
“Bài luận sẽ cho biết những thí sinh này là ai, có đặc điểm tính cách gì, họ sẽ đem lại lợi ích gì cho nhà trường”, ông Bob Massa - Hiệu trưởng, CEO Enrollment Intelligence Now (công ty tư vấn giáo dục đại học) - nhận định.
ChatGPT dễ dàng viết luận
Trước đây, hầu hết trường đại học tại Mỹ đều dùng bài thi đánh giá năng lực như SAT, GRE để tuyển sinh. Tuy nhiên, cán bộ tuyển sinh thường bị áp lực khi nhiều thí sinh đạt điểm thấp, dẫn đến trường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, họ thường dùng thêm một bài luận như một phương thức tuyển sinh dự phòng.
Giờ đây, nhiều trường đã bỏ điểm SAT, GRE, việc lấy bài luận làm yêu cầu để đánh giá là điều đương nhiên. Tuy nhiên, nếu bài luận được viết bằng AI, tính công bằng sẽ mất đi.
“Luận văn AI thường được viết rất lý tưởng với kết cấu chặt chẽ, lý lẽ rõ ràng. Nhưng, nhiều trường đại học cho biết những học sinh nộp bài luận AI thường có 2 kiểu, cực xuất sắc hoặc dở tệ", ông Massa nói.
Trong khi đó, ChatGPT cải tiến hơn. Không chỉ viết các bài luận rõ ràng, nó có thể gợi thêm nhiều chi tiết, tạo điểm nhấn. Điều này có thể làm tăng cơ hội được nhận của ứng viên, đồng thời khó xác minh liệu nó có được viết bằng AI hay không.
PGS Sarah Elaine Eaton, chuyên gia về liêm chính học thuật tại ĐH Calgary (Canada), cho biết gian lận trong tuyển sinh không phải là câu chuyện mới. Theo bà, nếu các trường đại học muốn loại bỏ các bài luận do AI tạo ra, họ cần thay đổi các công cụ đánh giá.
“Chúng tôi biết có một thị trường toàn cầu chuyên cung cấp dịch vụ viết thuê các bài luận tuyển sinh đại học. Tôi nghĩ hiện tại, các bài luận là một hình thức lỗi thời để đánh giá các ứng cử viên cũng như sự phù hợp cho một chương trình học”, PGS Eaton nói.
Mới đây, Forbes đã có cuộc thử nghiệm với ChatGPT, yêu cầu chatbot này viết hai bài luận tuyển sinh đại học. Kết quả, mỗi bài luận chỉ mất chưa đầy 10 phút để hoàn thành.
Ở bản nháp bài luận đầu tiên, Forbes yêu cầu ChatGPT bổ sung thêm thông tin chi tiết về lý lịch, công việc nhà hàng mà ứng viên từng làm và đưa ra bản thảo cuối cùng.
Ở bản nháp bài luận thứ 2, Forbes yêu cầu ChatGPT bổ sung thêm các chi tiết, làm cho bài luận giống một câu chuyện và có độ dài lớn hơn.
“Về mặt cấu trúc, các bài luận được xây dựng giống như hướng dẫn của một giáo viên tiếng Anh cấp 2 - phần mở đầu sẽ giới thiệu bài luận dựa trên phác thảo các luận điểm bạn muốn trình bày. Tiếp đến, phần thân bài trình bày các luận điểm chính. Phần kết luận sẽ tổng hợp lại vấn đề”, CEO Massa nói.
Bài luận AI không hoàn hảo
Tuy nhiên, AI không hoàn hảo. Nó phải “vật lộn” với số từ. Thông thường, ChatGPT đưa ra một bài luận ngắn hơn vài trăm từ so với yêu cầu. Nó cũng không thể tham khảo được các giảng viên giảng dạy tại trường đại học mà người dùng yêu cầu.
Thay vào đó, nó sử dụng tài liệu từ các giáo sư của trường khác. Có thể may mắn, một số giảng viên sẽ đến từ trường bạn yêu cầu. Nguyên nhân được cho là ChatGPT được “học” mọi thứ từ trước năm 2021, nó không thể chủ động tìm kiếm thông tin trên Internet để cập nhật dữ liệu.
Lỗi này xuất hiện tương tự khi người dùng yêu cầu bổ sung các chi tiết về tòa nhà hay các hoạt động trong trường, cho dù nó có thể tham chiếu chính xác các địa danh, công viên, hay nhà hàng ở khu vực Madison (Mỹ).
Ông Massa từng phụ trách tuyển sinh tại các trường đại học như ĐH Johns Hopkins và ĐH Dickinson (Mỹ). Ông cho biết những bài luận viết bằng AI thường được xây dựng hoàn hảo.
“Tôi khó có thể phân biệt chúng được viết bằng AI, trừ khi đặt chúng giữa 2 bài luận khác và được yêu cầu xác định đâu là bài do AI viết. Nếu tôi không cố gắng phân biệt nó, tôi có thể sẽ nghĩ bài viết hay, thực tế, thiếu cảm xúc", ông Massa nói.
Đối với ông Jim Jump, Giám đốc tư vấn tuyển sinh đại học, trường St. Christopher's, các bài luận được tạo nên từ ChatGPT giống như các bài luận được chỉnh sửa quá mức bởi người có kinh nghiệm.
“Có lẽ, tôi không thể nhận ra nó được viết bởi AI. Tuy nhiên, nó giống như những bài luận 'sáo rỗng' được viết bởi những ứng viên nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn về bài luận”, ông Jump nói.
Tương tự, ông David Hawkins, Giám đốc giáo dục và chính sách tại Hiệp hội tư vấn tuyển sinh đại học quốc gia Mỹ, nhận định bài luận được tạo bởi ChatGPT rất rõ ràng, đúng ngữ pháp, có cấu trúc tốt. Nhưng, nó quá mơ hồ và tẻ nhạt, không làm nổi bật ứng viên giữa hàng loạt hồ sơ. Ông Jump và CEO Massa đồng ý với quan điểm này.
Trong một thông báo với Forbes, bà Kelly Tyrrell - người phát ngôn của ĐH Wisconsin-Madison (UW–Madison, Mỹ) - nhấn mạnh bài luận bổ sung chỉ là một phần trong quy trình tuyển sinh. Các nhân viên tuyển sinh của trường vẫn tìm kiếm và lựa chọn các bài viết có tiếng nói cá nhân, chi tiết và cụ thể. Những thứ này không dễ dàng sao chép được.
“Chúng tôi tin những gì sinh viên chia sẻ. Nhà trường lên án mạnh mẽ mọi hành động không trung thực nhằm mục đích được nhận vào UW–Madison”, bà Tyrrell nói trong thông báo.
Các nhà lãnh đạo Common App (ứng dụng dùng chung giúp sinh viên có thể nộp đơn vào hơn 1.000 trường đại học thành viên) lo ngại về ChatGPT. Một phần vì khả năng gian lận trong các bài luận, một phần vì cách nó phản ánh trải nghiệm của sinh viên với các ứng dụng đại học.
“Khi một ứng viên cảm thấy cần sử dụng AI để viết bài luận của mình, đây là điều đáng lo ngại. Nhiều bài luận ấn tượng từng đề cập việc trải nghiệm và quan điểm cá nhân là những điều đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sinh viên. Và bài luận truyền tải tiếng nói của họ. Những điều này bài luận AI chắc chắn không làm được", bà Jenny Rickard - CEO Common App - nhận định.