Ứng dụng gọi xe công nghệ Grab vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu 321 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Mặt khác, lỗ hệ số EBITDA (lợi nhuận sau thuế, lãi vay và khấu hao) của doanh nghiệp đạt 233 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 9%. Lỗ ròng cũng cải thiện còn 572 triệu USD so với con số trên 800 triệu USD vào năm ngoái.
Nhờ sự phục hồi nhu cầu của người dùng, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Grab tăng lên 5 tỷ USD, cao hơn 30%. Số lượng người dùng cũng nhích lên 32,6 triệu người, tăng 12%.
Trong 3 trụ cột kinh doanh chính, chỉ có mảng vận chuyển của Grab ghi nhận lợi nhuận với EBITDA điều chỉnh theo bộ phận đạt 125 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Grab cho biết việc các quốc gia khu vực Đông Nam Á mở cửa và dỡ bỏ hầu hết hạn chế đi lại đã kích thích nhu cầu di chuyển, đặc biệt là du lịch quốc tế lẫn nội địa.
Mặt khác, dù thu về 134 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, mảng giao hàng vẫn lỗ EBITDA điều chỉnh theo bộ phận 34 triệu USD. Để đẩy nhanh tốc độ hòa vốn, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2023, Grab quyết định giảm dần các khuyến mãi cho người dùng và tài xế.
Đáng chú ý, mảng dịch vụ tài chính của Grab ngốn 115 triệu USD trong quý II dù doanh thu vỏn vẹn 13 triệu USD.
Grab khẳng định đang tập trung vào lộ trình đạt lợi nhuận. Trong đó bao gồm việc gia tăng các giao dịch GMV chất lượng cao, tối ưu hóa cơ sở chi phí cố định và cắt giảm khuyến mãi để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh tình trạng đồng USD tăng giá cũng đang tác động tiêu cực khoảng 4% đến quy đổi ngoại tệ trong nửa cuối năm.
Hãng dự kiến doanh thu cả năm 2022 đạt 1,25- 1,3 tỷ USD, GMV tăng 21-25%. Trước đó, Grab dự báo doanh thu đạt 1,2- 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GMV tăng 30-35%.