Dự kiến tháng 6 này, Gloria Li sẽ tốt nghiệp bằng thạc sĩ chuyên ngành thiết kế đồ họa. Cô bắt đầu tìm kiếm việc làm từ bây giờ, hy vọng sẽ tìm được một vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, với mức lương khởi điểm khoảng 1.000 USD/tháng tại một thành phố lớn ở miền Trung Trung Quốc.
Tháng 5, cô đã nhắn tin cho hơn 200 nhà tuyển dụng và gửi sơ yếu lý lịch của mình tới 32 công ty, song chỉ nhận được 2 lời mời phỏng vấn. Có một vài bên đề nghị Li vị trí thực tập nhưng với mức thù lao chỉ 200-300 USD/tháng, ngoài ra không có thêm quyền lợi gì.
Li nghĩ rằng có lẽ cô sẽ nhận bừa đề nghị công việc nào đó, kể cả làm nhân viên bán hàng, ngành nghề mà cô từng không thích.
“Khoảng một thập kỷ trước, Trung Quốc phát triển mạnh và đầy ắp cơ hội. Giờ đây, ngay cả khi tôi muốn phấn đấu, tôi không biết mình nên rẽ theo hướng nào”, cô nói với New York Times.
Đối mặt
Giới trẻ Trung Quốc hiện phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Năm nay, thị trường lao động đón nhận con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, và cứ 5 thanh niên sẽ có một người thất nghiệp.
Zhang, tốt nghiệp năm ngoái với bằng thạc sĩ ngành quy hoạch đô thị tại một trường đại học ở Thượng Hải, đã gửi 130 hồ sơ xin việc, nhưng không nhận được bất cứ lời mời làm việc nào.
Cô đang sống tại một phòng ngủ rộng vỏn vẹn 10 m2, trong căn hộ chung cư 3 phòng ngủ cùng một số người khác. Trong thời gian chờ tìm việc, cô làm gia sư bán thời gian, nhưng mức lương 700 USD/tháng không đủ để trang trải cuộc sống.
Một số khác lại chấp nhận chuyển sang công việc chân tay, trong đó có Guo, nhà phân tích dữ liệu ở Thượng Hải, người đã thất nghiệp từ mùa hè năm ngoái.
Để tiết kiệm chi phí, anh đã hủy các gói dịch vụ âm nhạc có trả phí và trò chơi điện tử. Từ tháng 12/2022, anh bắt đầu đi giao đồ ăn, làm việc khoảng 11-12 tiếng/ngày chỉ để kiếm được hơn 700 USD/tháng.
Thế nhưng, sau một thời gian ngắn, anh nghỉ việc.
Ở trường hợp khác, Wang, cựu giám đốc quảng cáo ở Côn Minh, đã thất nghiệp từ tháng 12/2021 sau khi đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến ngành nghề của anh.
Anh đã trò chuyện với cha mẹ, những người làm nông, về việc chuyển về quê và bắt đầu một trang trại lợn.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành thiết kế tương tác tại một trường đại học hàng đầu Vương quốc Anh, Steven trở về quê nhà Trung Quốc để sống gần mẹ hơn.
Steven cho biết trong số 13 sinh viên Trung Quốc cùng khóa tốt nghiệp, 5 người chọn ở lại nước ngoài vì đã tìm được việc làm tại các công ty ở Thung lũng Silicon hoặc Phố Wall (Mỹ). 8 người còn lại trở về nước, nhưng chỉ 3 người đã có lời mời làm việc đảm bảo. Và cho đến nay, anh vẫn chưa tìm được việc làm.