Kế hoạch cao nhưng thực hiện rất thấp
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong quá trình phục hồi nền kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ chức tín dụng. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo nghị định.
Qua 3 tháng, các ngân hàng thương mại rất tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ. Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả thực hiện chưa cao. Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.
Qua thực tế triển khai nhiều ngân hàng hàng phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng Agribank xác định chính sách hỗ trợ lãi suất là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, ngay khi Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, Agribank đã ban hành Quy định 968 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tính đến 22/8, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ký kết từ 1/1/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện của ngân hàng Agribank là 40.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng.
Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Agribank cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, với 96% tổng số lượng khách hàng của Agribank là khách hàng cá nhân; để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank đã có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ, tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Chương trình.
Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cũng cho biết thêm nhiều nguyên nhân nữa khiến tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vẫn còn chậm. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.
Hơn nữa, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.
Đại diện Vietcombank cũng cho rằng, đánh giá về khả năng phục hồi và khả năng trả nợ là khó khăn lớn đối với ngân hàng. Đánh giá khách hàng suy giảm hay phục hồi như thế nào, mỗi ngân hàng có sự khác biệt trong việc đánh giá khả năng phục hồi và khả năng trả nợ của khách hàng.
Những khách hàng khó khăn do tác động của chiến tranh thương mại lại không thuộc đối tượng hỗ trợ. Hay như nhóm khách hàng xuất khẩu thủy sản, vay USD nhưng Nghị định chỉ cho phép hỗ trợ với các khoản vay bằng VND.
Lãnh đạo các ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank, MB, NamABank… cũng cho biết, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện thì có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà, ngại thanh tra, hậu kiểm tra.
Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các bộ, ngành
Từ thực tiễn triển khai, Phó Tổng Giám đốc Agribank nêu các kiến nghị nhằm “gỡ khó” gói hỗ trợ lãi suất 2%: Cụ thể, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, Ngân hành Nhà nước xem xét “hạ chuẩn cho vay” để mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Agribank cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất các nội dung trong triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân tiền mặt trên 100 triệu đồng và sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 1/1/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.
Ông Nguyễn Việt Cường - Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.
Một số lãnh đạo ngân hàng khác kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ các khoản vay bằng ngoại tệ, mở rộng đối tượng về xuất khẩu lúa gạo, xây lắp... Đồng thời, có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh kiểm tra cho doanh nghiệp.
Giới chuyên môn cho rằng, gói hỗ trợ lần này được thực hiện như một gói đầu tư công của Nhà nước. Do đó, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các bộ, ngành mới đảm bảo giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cần tạo cho các ngân hàng thương mại một khoảng không gian nhất định để xử lý linh hoạt các trường hợp thụ hưởng chính sách.
“Các ngân hàng thương mại có thể dựa vào quyền tự chủ để quyết định các khoản cho vay gần như đảm bảo được các tiêu chí tín dụng thông thường và của gói hỗ trợ này. Đây là điều vô cùng quan trọng và nhiều doanh nghiệp đang mong chờ như vậy” - TS. Nghĩa đề xuất.