Theo đó, Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 và Kế hoạch của thành phố đã xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6.220.861 m2 sàn nhà ở xã hội. Trong đó gồm 4.676.330 m2 sàn nhà ở xã hội cho 9 đối tượng quy định tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, 567.539 m2 sàn nhà ở công nhân và 976.922 m2 sàn nhà ở cho sinh viên.
Tuy nhiên theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn có 25 dự án đã hoàn thành với tổng số 1.254.087 m2 sàn nhà ở xã hội, tức mới đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra.
Cụ thể, nhà ở phục vụ các đối tượng theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở có 23 dự án với khoảng 1.226.886 m2 sàn tương đương 12.659 căn hộ (đạt khoảng 26,24% so với Kế hoạch). Nhà ở sinh viên (ký túc xá) có 02 dự án với 27.201 m2 sàn (đạt khoảng 2,78% so với Kế hoạch). Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016 -2020, trên địa bàn Hà Nội không có dự án nhà ở công nhân nào được thực hiện.
Lý giải cho việc kết quả thực hiện chiến lược phát triển nhà ở xã hội đạt thấp, UBND TP. Hà Nội cho rằng đến từ việc quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, việc triển khai các khu nhà ở xã hội tập trung chậm.
Bên cạnh đó, số tiền thu được từ chủ đầu tư dự án đầu tư nhà ở thương mại nộp tương đương qũy 20% đất ở tại dự án hiện chưa được bố trí sử dụng hiệu quả để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/ND-CP của Chính phủ. Trong khi đó nguồn lực tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Cũng theo UBND TP. Hà Nội , nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên do các chính sách, văn bản luật của Trung ương chưa kịp thời quy định mới hoặc điều chỉnh, bổ sung các trường hợp phát sinh trong thực tế.
Ngoài ra, các khu nhà ở xã hội tập trung triển khai chậm do vướng cơ chế, chính sách cũng như việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện.
Đối với công tác phát triển nhà ở xã hội khu vực ngoại thành và nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng là công nhân, sinh viên, UBND TP. Hà Nội cho rằng do các cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Từ thực trạng triển khai các dự án đầu tư nhà ở xã hội đang triển khai, UBND TP. Hà Nội cho biết Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 1.215.000 m2 sàn nhà ở. Dự kiến vốn để hoàn thành phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 2025 khoảng 12.350 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch đề ra, theo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian tới sẽ tập trung một số giải pháp như rà soát quy hoạch các khu công nghiệp và khu vực giáp ranh khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (hoặc 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội sẽ bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Ngoài ra thành phố cũng xác định sẽ kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư bên cạnh việc cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với nhà ở công nhân, thành phố xác định khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp.
Đáng chú ý, UBND, TP. Hà Nội cho biết, trong giai đoạn tới sẽ yêu cầu các trường đại học, dạy nghề phải có kế hoạch, lộ trình di dời các các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch ra khỏi nội thành và phối hợp trong quá trình đầu tư xây dựng nhà ở (ký túc xá) cho sinh viên.