Hà Nội chính thức khởi công vành đai 4
Sáng nay, tại cả ba địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên, vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, gồm cả đường trên cao, dưới thấp chính thức khởi công, động thổ đồng loạt tại 6 vị trí thuộc ba địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Tại TP Hà Nội, 4 điểm khởi công gồm vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; giao cắt với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức; giao trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai và nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Bắc Ninh tổ chức khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh. Hưng Yên lựa chọn huyện Văn Giang làm điểm khởi công cho dự án vành đại 4 đi qua tỉnh.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó đoạn qua Hà Nội 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên hơn 19 km, đoạn qua Bắc Ninh trên 25 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.
Giá bất động sản "ăn theo" vành đai 4 từng biến động mạnh
Trước đó, thị trường bất động sản “ăn theo” đường vành đai 4 từng diễn ra rất sôi động. Thời điểm tháng 3/2022, giá đất một số khu vực tại quận, huyện mà đường Vành đai 4 đi qua đều tăng mạnh.
Đơn cử là khu vực Sóc Sơn, giá bất động sản tăng trung bình 50% đến 100%. Thậm chí nhiều xã như Bắc Sơn, giá đất tăng 1 gấp 3. Một số lô đất lớn hàng trăm m2 từng ghi nhận ở thời điểm năm 2021 dao động 1-2 triệu đồng/m2 thì đến đầu năm 2022, giá tăng lên tới 4-6 triệu đồng/m2. Nhiều lô đất được môi giới chào sát đường Vành đai 4 tăng giá gấp 4 lần.
Tương tự, đất ở khu vực Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), giá đất ghi nhận diễn biến tăng mạnh. So thời điểm 2020, mặt bằng giá đất Đồng Mai đầu năm 2022 tăng trung bình 30-50%. Nếu như trước đó, với tài chính 700-800 triệu đồng, người mua đã có thể tìm được lô đất ngõ ô tô nhưng đến năm 2022, mức tài chính nâng lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Tại huyện Đan Phương, giá đất tăng trung bình 15-20%/năm. Tại khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện Đan Phượng có giá 60 triệu đồng/m2. Giá đất tại thị trấn Phùng dao động ở ngưỡng 130-150 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, đến giữa năm 2022, cùng với kịch bản trầm lắng chung của thị trường địa ốc, bất động sản “ăn theo” đường Vành đai 4 cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Làn sóng cắt lỗ cục bộ cũng diễn ra khi tình trạng “đóng băng” kéo dài. Mặc dù trong suốt một năm qua, nhiều môi giới đẩy thị trường bằng thông tin về chuyển động của đường Vành đai 4 song thanh khoản của bất động sản này vẫn èo uột.
Khảo sát ở thời điểm tháng 3/2023, một số lô cắt lỗ 20-30% tại khu vực Sóc Sơn, Hoài Đức, Đan Phượng…
Với thông tin khởi công các các nút giao đường Vành đai 4, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ hồi sức. Nhà đầu tư tên Trần Quảng (Hà Nội) cho rằng, bất động sản xung quanh các nút khởi công đường Vành đai 4 sẽ có tín hiệu tốt. Người dân có tiền đền bù sẽ có xu hướng bỏ tiền ra mua đất để giữ. Dân đầu tư cũng sẽ nhìn thấy tiềm năng và xuống tiền. Dòng tiền sẽ rót vào những khu vực đó nhiều.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho rằng, dù đường Vành đai 4 khởi công nhưng không đồng nghĩa, bất động sản “ăn theo” thông tin này đều tăng giá. Nhiều khu vực từng tăng quá nóng, vượt xa giá trị thực sẽ có xu hướng hạ nhiệt. Chỉ những bất động sản nằm ở khu vực dân cư, nơi đang có sự thay đổi về hạ tầng, giá mới dịch chuyển tăng.