Thực trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp cũng đã ảnh hưởng đến thị trường lao động TP. Hà Nội, phần nào kéo giảm số lao động được tạo việc làm, làm tăng tỷ lệ lao động mất việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn.
Hơn 48.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội, trong tháng 7/2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 19.000 lao động. Trong đó, có 2,4 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 116,1 tỷ đồng; 1,6 nghìn lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 15,3 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.
Tính chung trong 7 tháng năm 2023, thành phố giải quyết việc làm cho trên 132 nghìn lao động, đạt 81,9% kế hoạch năm, và bằng 96,7% cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 7 tháng năm nay, thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 48.000 nghìn người với số tiền hỗ trợ trên 1.300 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 585 người với số tiền gần 2,7 tỷ đồng.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tăng là thực tế của thị trường lao động. Mặc dù ghi nhận doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, cắt giảm lao động, tuy nhiên, qua đánh giá trực tiếp từ cơ sở dữ liệu nguồn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trên địa bàn Hà Nội không có tình trạng doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc ồ ạt.
Số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp dù tăng so với cùng kỳ song chưa đến mức đáng lo ngại (7 tháng năm 2022 tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 35.500 người với kinh phí hỗ trợ hơn 932 tỷ đồng).
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động, bao gồm phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp đã và đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh triển khai theo nhiều hình thức. Học sinh, sinh viên, học viên được hỗ trợ giải quyết việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, góp phần quan trọng trong việc cung ứng nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động.
Cùng với đó, đã thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó, thị trường lao động trên địa bàn vẫn duy trì được sự ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.
Nhiều giải pháp tạo việc làm, giảm thất nghiệp
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, thống kê đến năm 2022, thành phố có hơn 352.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; 1.350 làng nghề; 10 khu công nghiệp, chế xuất; 111 cụm công nghiệp.
Tổng số lao động trên địa bàn thành phố có khoảng 4,1 triệu người làm việc trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, chế biến, các ngành dịch vụ tài chính ngân hàng, du lịch, thương mại... Ngoài ra, hàng ngày có hàng chục nghìn lượt lao động tự do ra vào thành phố làm việc, tập trung trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ.
Trong những tháng cuối năm 2023, để hoàn thành tốt các mục tiêu giải quyết việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp theo kế hoạch đề ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục huy động tối đa các nguồn tín dụng cho hoạt động thúc đẩy tạo việc làm mới linh hoạt, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho các đối tượng yếu thế.
Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.
Cùng với đó, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các sàn giao dịch việc làm đáp ứng yêu cầu hoạt động với vai trò là đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động; cung ứng nguồn nhân lực và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia vào các hoạt động giao dịch việc làm một cách thuận lợi.
Thành phố cũng sẽ rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học; tăng cường liên kết các doanh nghiệp với cơ sở giáo dục, đào tạo nghề.
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, khó khăn; hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo,… để họ tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.