Nội dung trên được Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết sáng 29/11 trong bài phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo ông Thanh, đến cuối năm 2021, Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người. Đây là nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu; là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước và giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của vùng.
“Có thể nói, Hà Nội giữ vai trò đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết lĩnh vực”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Theo đó, Nghị quyết 30 xác định Hà Nội có vai trò đầu tàu, hạt nhân, dẫn dắt các địa phương trong vùng. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Định hướng đến năm 2045, Hà Nội sẽ trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Để việc Nghị quyết về phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng sớm đi vào cuộc sống, Chủ tịch Hà Nội nêu 5 kiến nghị, đề xuất.
Cụ thể, về thể chế liên kết vùng, Hà Nội đề nghị Trung ương, Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành cơ chế điều phối liên kết phát triển vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế cao.
Việc này nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, Hà Nội đề nghị bộ, ngành quan tâm các tỉnh, thành phố trong vùng nghiên cứu để tập trung ưu tiên phát triển những ngành sử dụng nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ cao.
Trong đó, lãnh đạo Hà Nội đề nghị quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách để hình thành và vận hành mô hình như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Định hướng phát triển vùng thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á.
Đáng lưu ý, ông Thanh đề xuất phân vùng chức năng phát triển các địa phương như: Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; TP Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; tỉnh Bắc Ninh phát triển công nghiệp trên nền tảng sản xuất thông minh…
Về phát triển văn hóa, Hà Nội đề nghị Trung ương nghiên cứu và có giải pháp tổng thể để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, phát huy nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thành phố kiến nghị cơ quan chuyên môn sớm hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, thành phố mong muốn được bộ, ngành, Trung ương quan tâm triển khai dự án về phát triển giao thông, tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm và tuyến vành đai.
“Hà Nội và các tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2030”, Chủ tịch UBND Hà Nội nêu rõ.
Về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, Hà Nội đề nghị ban, bộ, ngành sớm triển khai đề án phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh; đồng thời, hoàn thành xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội.
Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cho biết thời gian tới, địa phương tập trung giải quyết các vấn đề xử lý rác thải, khí thải, ô nhiễm nước sông ở nội đô; tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, nhất là các làng nghề...