UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 05/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Điều chỉnh quy mô dự án
Trước đó, dự án metro tuyến số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008. Theo quyết định này, tổng chiều dài tuyến 11,5km, trong đó 8,5km đường đi ngầm, 3km đi cao. Điểm đầu Nam Thăng Long (CIPUTRA) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Dự án gồm 3 ga trên cao (ga C1 - ga C3), 7 ga ngầm (ga C4 - C10). Thời gian và thực hiện (dự kiến): 2009-2015, thời gian bảo dưỡng dự kiến khoảng 5 năm. Địa điểm xây dựng trên địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Tổng mức đầu tư dự án tại quyết định được ban hành năm 2008 là 19.555 tỷ đồng Việt Nam, tương đương với 131.023 triệu Yên, sử dụng vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỷ đồng tương đương 110.448 triệu Yên; vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội là 3.079 tỷ đồng, tương đương 20.575 triệu Yên.
Tại tờ trình gửi lên lãnh đạo Chính phủ đầu năm 2024, có 3 nội dung quan trọng của dự án metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh.
Về điều chỉnh quy mô xây dựng dự án metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tổng chiều dài tuyến của dự án vẫn được giữ nguyên so với phê duyệt trước đó nhưng có sự thay đổi về chiều dài đoạn đi trên cao (tăng từ 8,5 km lên 8,9 km) và đoạn đi ngầm (giảm từ 3 km xuống 2,6 km).
UBND TP. Hà Nội cho biết, chiều dài phần đi ngầm và đi cao thay đổi so với báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt năm 2008 do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm, đồng thời thay đổi phạm vi giữa 2 phần trên cao và ngầm.
Cụ thể, tại báo cáo nghiên cứu khả thi duyệt lý trình phân chia giữa 2 phần là Km2+600 đến phạm vi hầm nhưng theo bổ sung, cập nhật và hoàn thiện thiết kế cơ sở đã chuyển về lý trình Km2+232 hết phạm vi cầu cạn.
Bên cạnh đó, trên cơ sở tiếp thu góp ý của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tránh lãng phí, số lượng đoàn tàu được giảm từ 14 đoàn tàu xuống còn 10 đoàn tàu.
Về tổng nhu cầu sử dụng đất dự án là 51,37ha, tăng 2,31ha so với diện tích sử dụng đất phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/1 1/2008 của UBND Thành phố. Diện tích tăng do bổ sung diện tích giải phóng mặt bằng đất đường vào, địa điểm đóng quân mới của Tiểu đoàn 10 và các công trình phụ trợ các nhà ga của dự án.
Tổng nhu cầu sử dụng đất dự án bao gồm: diện tích đất thu hồi là 35,69ha (thu hồi vĩnh viễn là 20,063ha, thu hồi tạm trong quá trình thi công là 15,623ha), diện tích đất thuộc phạm vi bảo vệ hầm đường sắt đô thị là 15,68ha theo phạm vi bảo vệ hầm đường sắt quy định tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/04/2018 của Chính phủ.
Tăng tổng mức đầu tư trên 80% so với phương án ban đầu
Nội dung quan trọng thứ hai được UBND TP. Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh liên quan tổng mức đầu tư dự án.
Tại Tờ trình số 05/TTr-UBND, UBND TP. Hà Nội đề xuất tổng mức đầu tư mới của dự án là 35.588 tỷ đồng, tương đương 200.744 triệu yên, tương ứng 1.504,97 triệu USD. Như vậy, tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 16.033 tỷ đồng (82%) so với phương án ban đầu; trong đó, hai hạng mục “đội vốn” lớn là chi phí xây dựng (tăng 6.676 tỷ đồng) và chi phí thiết bị (tăng 2.754 tỷ đồng).
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được lập trong giai đoạn năm 2007 - 2008.
Khi đó, Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị, nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ thực hiện từ những năm 2000 đối với từng loại kết cấu công trình như nhà ga ngầm, nhà ga trên cao, kết cấu hầm đào hở, cầu cạn…
Mặc dù đã cập nhật suất đầu tư các dự án và xem xét sự tương thích với điều kiện thi công và mặt bằng giá cả tại TP. Hà Nội thời điểm năm 2008, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm thực tế, nên việc tính toán chỉ mang tính chất bình quân đối với một dự án, mà chưa xem xét đầy đủ các yêu cầu an toàn cao, chưa tính toán đủ việc tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng…
Lãnh đạo thành phố nêu rõ 4 nguyên nhân chính khiến tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh tăng 16.033 tỷ đồng (khoảng 82%) so với tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỷ.
Một, thay đổi về quy mô đầu tư, làm sơ bộ tổng mức đầu tư tăng 2.840 tỷ đồng (khoảng 15%).
Hai, thay đổi tỷ giá quy đổi, làm sơ bộ tổng mức đầu tư tăng 1.329 tỷ đồng (khoảng 6,8%).
Ba, các nguyên nhân về giá làm sơ bộ tổng mức đầu tư tăng 5.279 tỷ đồng (khoảng 27%). Trong đó, do sự biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và thay đổi chế độ chính sách tiền lương là 5.366 tỷ đồng (khoảng 27,4%). Cập nhật tỷ lệ trượt giá theo chỉ số giá là - 87 tỷ đồng (khoảng -0,4%).
Bốn, thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư làm sơ bộ tổng mức đầu tư tăng 6.537 tỷ đồng (khoảng 33,2%).
Trong đó, việc thay đổi tỷ giá quy đổi làm sơ bộ tổng mức đầu tư tăng 1.329 tỷ đồng; biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và thay đổi chế độ chính sách tiền lương là 5.366 tỷ đồng; thay đổi chế độ chính sách và các quy định của Nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư làm sơ bộ tổng mức đầu tư tăng 6.537 tỷ đồng.
Về tác động của việc điều chỉnh dự án đối với nợ công, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định đã tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, Hội đồng Thẩm định nhà nước, Bộ Tài chính (đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên nợ công của dự án) và nhất là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, số vốn vay đề xuất của dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 vẫn nằm trong phạm vi Kế hoạch vay trả nợ 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt; các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ dưới mức trần, ngưỡng cảnh báo đã được Quốc hội cho phép.
Đối với tác động của số vốn vay còn lại của dự án trong giai đoạn 2026-2030 cùng với dự kiến giải ngân các nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài khác tác động hạn chế đến chỉ tiêu nợ công/GDP và nợ Chính phủ trên GDP trong bối cảnh nợ công được kiểm soát chặt chẽ và đang ở nền thấp hơn hơn nhiều so với giai đoạn trước như hiện nay.
Dự kiến vận hành năm 2029
Nội dung thay đổi thứ ba tại dự án metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo liên quan thời gian thực hiện dự án. Tại Tờ trình số 05/TTr-UBND, UBND TP. Hà Nội đề xuất nới đáng kể thời gian thực hiện công trình, từ năm 2009 sang năm 2031, trong đó, thời gian hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành vào năm 2029 và 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng.
Một nội dung quan trọng khác được đề cập trong Tờ trình số 05/TTr-UBND là việc UBND TP. Hà Nội là phương án xây dựng ga ngầm C9 bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và trụ sở HĐND - UBND TP. Hà Nội chỉ vi chỉnh vị trí thân ga và điều chỉnh kết cấu sao cho đảm bảo an toàn kỹ thuật trong phạm vi hành lang tuyến đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 28/3/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tuyến cho phần đi ngầm (đoạn tuyến từ Km2+450 đến Km11+133,77) tỷ lệ 1/500 của dự án.
Phương án xây dựng ga C9 đảm bảo không vi phạm vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, không ảnh hưởng đến an toàn các công trình văn hóa, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc...
“Phương án lựa chọn này đã được UBND TP. Hà Nội nghiên cứu cẩn trọng, xin ý kiến thống nhất các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Trước đó, từ năm 2015, dự án gặp phải vướng mắc về vị trí nhà ga ngầm C9 - ga hồ Hoàn Kiếm liên quan đến ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho đến năm 2022, vị trí ga C9 đã được Thường trực Chính phủ chấp thuận.
Trên thực tế, trong suốt gần 15 năm triển khai, dự án metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có rất ít chuyển động trên thực địa. Tính đến quý 4/2023, công việc trên thực địa được tiến hành mới chỉ là việc giải phóng mặt bằng tại depot, ga trên cao và phần ga ngầm. Do chưa triển khai các gói thầu xây lắp nên khối lượng thực hiện và giải ngân dự án mới đạt khoảng 900 tỷ đồng.