Lạm phát đã và đang gia tăng ở gần như tất cả các khu vực trên thế giới vào năm 2022. Những căng thẳng địa chính trị gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng cao khiến giá cả tiêu dùng leo thang đến mức ngất ngưởng. Kết quả là gần một nửa số quốc gia trên toàn thế giới đang chứng kiến tỷ lệ lạm phát lên đến mức 2 con số hoặc thậm chí là cao hơn nữa.
Mặc dù vậy, nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) phối hợp với Fondazione Altagamma (ủy ban quản lý các thương hiệu cao cấp của Ý) cho biết, ngành hàng xa xỉ phục vụ cá nhân có thể đạt doanh thu 353 tỷ euro vào năm nay. Đồng thời, thị trường hàng xa xỉ cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng ít nhất 3 - 8% trong năm 2023, ngay cả khi điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái.
Doanh số nước hoa cao cấp tăng mạnh
Doanh số bán nước hoa cao cấp trên toàn cầu bắt đầu tăng trong thời gian dịch bệnh và còn tăng mạnh hơn trong năm qua. Theo Bloomberg, nhu cầu với mặt hàng này vẫn được duy trì, ít nhất đến thời điểm hiện tại, cho dù triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu. "Ban đầu, chúng tôi nghĩ đây chỉ là do nhu cầu bị dồn nén, nhưng nó vẫn tiếp tục tăng trưởng cho đến những tháng cuối năm", Michel Atwood, Giám đốc tài chính Inter Parfums, công ty sản xuất và phân phối nước hoa cho các thương hiệu như Oscar de la Renta, MCM và Donna Karan cho biết.
Atwood cho biết khi bắt đầu phân tích sự tăng trưởng, công ty nhận ra có rất nhiều khách hàng mới. "Khi người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến sản phẩm này, họ thường tiếp tục sử dụng", ông nói. Theo dữ liệu từ NPD Group, doanh số nước hoa cao cấp tại Mỹ 10 tháng đầu năm nay tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019 và 13% so với năm ngoái. Doanh số tăng không chỉ nhờ giá sản phẩm cao hơn. Số lượng chai nước hoa được bán ra trong 10 tháng đầu năm cũng nhiều hơn gần một phần tư so với trước đại dịch. Nước hoa và các mặt hàng làm đẹp cao cấp là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng về doanh số trong 14 mặt hàng bán lẻ NPD theo dõi trong danh mục.
Công ty Pochet du Courval (Pháp) đã sản xuất chai thủy tinh cho các thương hiệu nước hoa hàng đầu thế giới từ trước khi smartphone ra đời. Họ đã trải qua vô số lần nhu cầu của người tiêu dùng bùng nổ rồi sụt giảm. Tuy nhiên, các lãnh đạo công ty cho biết họ chưa bao giờ bận rộn như lúc này. "Nhu cầu quá lớn khiến chúng tôi không thể đáp ứng kịp. Chúng tôi chưa khi nào giao nhiều chai đựng nước hoa hay mỹ phẩm như thế này", Yves Bouquier, Chủ tịch công ty con của Pochet tại Mỹ nói. Năm nay, Pochet du Courval đã giao 270 triệu chai nước hoa thủy tinh và mỹ phẩm.
Dòng nước hoa mang tên nữ ca sĩ người Mỹ 28 tuổi, Ariana Grande, đã đạt được doanh thu khổng lồ trên toàn cầu với con số thống kê lên tới 150 triệu USD chỉ trong vòng hai năm ra mắt. Trong một bài báo, Joel B. Ronkin, Giám đốc Điều hành của Luxe Brands nhận định: “Nước hoa thực sự là một lãnh thổ hoặc một nơi để khám phá sự khác biệt và cá nhân hóa. Mùi hương có thể cải thiện tâm trạng, gợi lại ký ức hoặc đơn giản là tạo ấn tượng trong các buổi hẹn hò".
Thị trường hàng xa xỉ cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng ít nhất 3 - 8% trong năm 2023, ngay cả khi điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái, theo Bain & Company.
Daniel Patrick Giles, người sáng lập thương hiệu nước hoa cao cấp Perfumehead cho biết: "Giờ đây, mùi hương là công cụ giúp người dùng cảm nhận về chính mình. Xu hướng này đang thay đổi cách khách hàng trải nghiệm mùi hương và cách mùi hương phù hợp với cuộc sống của họ". Người tiêu dùng trẻ, nhất là thế hệ Z coi nước hoa là cách tuyệt vời để thể hiện sự khác biệt và giúp bản thân thêm tự tin. Việc tìm kiếm một mùi hương yêu thích có thể là một trải nghiệm khó khăn nhưng nếu biết mình đang tìm gì và biết cách tìm, trải nghiệm sẽ rất thú vị.
Trang sức xa xỉ mở rộng thị phần
Hiện nay, các mặt hàng xa xỉ, có giá trị cao "go online" không còn là điều xa lạ, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch khi các thương hiệu vàng bạc đá quý hay thời trang cao cấp liên tục ghi điểm với doanh thu tăng trưởng ấn tượng. Khi người tiêu dùng từ bỏ việc di chuyển đến các cửa hàng để ngắm nghía sản phẩm, nhiều doanh nghiệp trang sức cũng ngay lập tức chuyển sang các nền tảng đặt hàng trực tuyến của riêng mình để phục vụ khách hàng thường xuyên trên khắp cả nước (ví dụ như Xingguangda Jewelry tại Trung Quốc).
Đồng thời, họ triển khai các buổi triển lãm thương mại online kết hợp với hình ảnh, thông tin chi tiết trên các website, mạng xã hội, sử dụng chức năng messenger để liên lạc nhanh chóng với khách hàng tiềm năng đang trực tuyến. Thậm chí, tại Trung Quốc, nền tảng WeChat còn cho phép người mua đặt cọc và thanh toán online ngay khi sự kiện diễn ra.
Cùng với xu hướng bán hàng online, từ đầu năm, các nhà trang sức nổi tiếng thế giới như Bulgari, Cartier hay Prada vẫn liên tục mở rộng nhà máy và ra mắt thêm các dòng sản phẩm mới. Bà Federica Levato, đối tác cấp cao của Bain and Company ở Milan, cho biết: “Đồ trang sức nói chung có khả năng phục hồi tốt hơn so với các loại hàng xa xỉ khác trong thời kỳ khủng hoảng. Nếu chúng ta nhìn vào hàng xa xỉ, đồ trang sức đang chiếm thị phần nhiều hơn so với các phân khúc khác”.
Vào tháng 10, Bulgari tuyên bố đang lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất lẫn diện tích nhà máy trang sức rộng 14.000 m2 ở Valenza, một trong những cơ sở lớn nhất trong ngành trang sức ở châu Âu. Tại đó, thương hiệu này sẽ kết hợp giữa sản xuất tự động hóa và thủ công để tạo ra những món đồ trang sức với giá lên tới 100.000 Euro. Jean-Christophe Babin, Giám đốc điều hành của Bulgari, cho biết: “Trang sức là thứ xa xỉ duy nhất không bao giờ mất giá trị. Đó là yếu tố chính khiến nó phát triển nhanh hơn và bền bỉ hơn bất kỳ thứ xa xỉ nào khác”.
Cyrille Vigneron, Giám đốc điều hành của Cartier, cũng nhận định về tăng trưởng của ngành trang sức rằng mạng xã hội đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ trong thời kỳ đại dịch. Các công cụ tìm kiếm được điều hành bởi các thuật toán, nhiều người càng tìm kiếm, kết quả sẽ càng xuất hiện nhiều. Ngay cả đối với Gen Z, nhóm người hoạt động chủ yếu trên Instagram hoặc TikTok, những món trang sức xa xỉ cũng được chia sẻ và coi đây là vật mang tính biểu tượng, khao khát sở hữu.