Dự án đường Đỗ Mười kéo dài có ý nghĩa quan trọng, thiết thực góp phần cụ thể hóa định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thành phố ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại theo định hướng tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 16 Đảng bộ thành phố, tiếp tục thực hiện Chủ đề năm 2023 của thành phố là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”. Dự án được UBND thành phố phê duyệt ngày 12/07/2022.
Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP có chiều dài 1.582m, cấp đường: đường chính khu vực, vận tốc thiết kế 60km/h. Bên cạnh đó, xây dựng hoàn chỉnh nút giao đồng mức đầu, cuối tuyến và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên toàn tuyến (bao gồm thoát nước mưa, thoát nước thải, cây xanh, chiếu sáng, đường ống kỹ thuật); tạo quỹ đất để phát triển đô thị vùng phụ cận với quy mô khoảng trên 44,15 ha.
Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 1.066.840 triệu đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 698.562 triệu đồng; Chi phí xây dựng là 203.559 triệu đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 164.719 triệu đồng. Địa điểm thực hiện thuộc 2 xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận được triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực thông hành, kết nối trung tâm thành phố Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên.
Thực hiện đấu giá đất, chỉnh trang, phát triển đô thị đồng bộ về cơ sở hạ tầng toàn khu vực Bắc Sông Cấm, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng trung tâm thành phố mới theo định hướng quy hoạch. Đồng thời, tạo không gian mới hai bên đường để phát triển đô thị, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong khu vực.
Tại Lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Anh Quân khẳng định: “Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường Đỗ Mười đã được xây dựng cùng với một loạt các dự án giao thông đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn huyện Thủy Nguyên như: Đường 359, đường Máng nước, cầu Nguyễn Trãi, đường 352 và cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng... từng bước góp phần tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại trên địa bàn thành phố.”
Để dự án được triển khai theo đúng quy mô và tiến độ đã được phê duyệt, ông Lê Anh Quân đề nghị: UBND huyện Thủy Nguyên tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư thực hiện Dự án theo tiến độ được duyệt.
Bên cạnh đó, Các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên tạo điều kiện tốt nhất cho Chủ đầu tư và các Nhà thầu thi công, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong quá trình thi công.
Về phía nhà thầu thi công, ông Đinh Văn Hội, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Tân Lộc cam kết sẽ tập trung cao nhân lực và vật lực, có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng và tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; hoàn thành dự án trong năm 2024.