Sáng 16/08/2022, tại Hội nghị Kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc do Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Phòng tổ chức, 28 doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã được “chia” thành 14 cặp, trực tiếp trao đổi, chia sẻ thông tin về cơ hội hợp tác đầu tư trong sản xuất kinh doanh.
Đây là một mô hình mới trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, đặc biệt là mở ra cơ hội cụ thể để các bên hợp tác, cùng tham gia vào “chuỗi” cung ứng.
Tại Hội nghị, bên cạnh những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách…, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng, các đại biểu tham dự còn được Ban tổ chức chia sẻ những thông tin chiến lược của những tập đoàn, doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc trong tổ chức sản xuất kinh doanh và chủ trương mở rộng qui mô sản xuất, đa dạng hoá thêm các sản phẩm tại các nhà máy nằm trong Khu công nghiệp, khu kinh tế tại thành phố Hải Phòng.
Theo đó, đã có 173 dự án, với tổng mức 9.65 tỷ USD vốn FDI đầu tư từ Hàn Quốc đã có mặt tại Hải Phòng. Hiện Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ về số dự án và số vốn đầu tư tại Hải Phòng.
Khẳng định tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như cải thiện năng lực sản xuất công nghiệp của thành phố. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn Hải Phong ước đạt trên 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 5,83 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng.
Nổi bật trong số các dự án đầu tư của Hàn Quốc là tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG với tổng mức đầu tư 7,2 tỷ USD tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ, trong năm 2021, Tổ hợp dự án này đã mang doanh thu 14,5 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước. Trước những thông tin này, các đại biểu tham dự đều cho rằng đây sẽ là cơ hội để gia tăng sự hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp 2 nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Ông Ko Tae Yeon – Tổng giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, đánh giá Hải Phòng là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh an ninh, an toàn, có vị trí địa lý thuận lơi để gia tăng giá trị. Đặc biệt, Hải Phòng là địa phương có nguồn cung nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Chính những đặc điểm này, doanh nghiệp chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng qui mô đầu tư, đồng thời có chủ trương nội địa hoá sản phẩm, do vậy nhu cầu tìm kiếm các đối tác là các nhà cung ứng dịch vụ, công nghiệp phụ trợ là vô cùng cần thiết.
Theo ông Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Công ty sản xuất bao bì Việt Long, trong tổng số 12 triệu USD doanh thu của Việt Long năm 2021, tỷ lệ sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm doanh thu là chủ yếu. Ông Quang cho biết thêm việc kết nối cung cầu này không những là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nội địa mà còn là “thước đo” năng lực nội tại của từng doanh nghiệp.
Tại phiên kết nối, đã có rất nhiều bản hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết.
Khẳng định vai trò là “cầu nối” cho sự hợp tác, ông Nguyễn Hoàng Long – Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Phòng, cam kết với các bên sẽ giảm 50% thời gian trong mọi quy trình thủ tục, đồng thời luôn hỗ trợ, đồng hành, tư vấn cũng như tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp từ khi cấp phép đến khi sản xuất ra sản phẩm.
Hải Phòng sẽ nỗ lực mình để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các nhà đầu tư trong nước, tuy nhiên “muốn được là ‘1 mắt xích’ trong chuỗi cung ứng” các doanh nghiệp nội địa buộc phải chuẩn hoá, chuyên nghiệp trong mọi quy trình sản xuất”, ông Nguyễn Hoàng Long – Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Phòng, nói.