Chiều 24/2, lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam nhóm họp để bàn phương án tháo gỡ khó khăn tài chính trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.
Trước sự có mặt của đại diện Cục Hàng không, Vụ Vận tải, Ban Kinh tế Trung ương... các doanh nghiệp hàng không nêu ra một bức tranh tối màu của toàn ngành, trước khi kết lại bằng đòi hỏi bỏ giá trần vé máy bay.
Tuy vẫn cạnh tranh gay gắt với nhau trong hoạt động kinh doanh vận tải, 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều đồng lòng với đề xuất bỏ cơ chế áp giá trần.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết thời điểm điều chỉnh giá trần lần cuối cùng là năm 2015, đã cách đây 8 năm. Từ đó, hầu như năm nào các hãng bay cũng họp, phân tích yếu tố đầu vào thay đổi và xin điều chỉnh, nhưng giá trần vẫn đóng khung từ 2015 đến nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng trong dài hạn cần bỏ yêu cầu giá trần vé máy bay ra khỏi các quy định pháp luật do giá thành ấn định từ 2015 đến nay đã thay đổi. Trước mắt, có thể bỏ giá trần nhưng vẫn duy trì sự quản lý giá trần của Nhà nước trên các đường bay chỉ có một hãng hàng không khai thác để tránh độc quyền.
Nếu chưa thể bỏ giá trần, ông Quân cho rằng Bộ GTVT phải xem xét điều chỉnh nâng giá trần một cách kịp thời. Việc này không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn làm cho dịch vụ đa dạng hơn, giúp cho thị trường vận tải hàng không phát triển lành mạnh.
Hiện nay, Nhà nước vẫn quy định mức trần giá vé máy bay để tránh thao túng, độc quyền giá vé. Đây cũng được coi là biện pháp đảm bảo tính phúc lợi cho loại hình vận tải mà không phải người dân nào cũng có điều kiện trải nghiệm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biện pháp "giá trần" chỉ phù hợp trong giai đoạn một hãng độc quyền, chưa hình thành thị trường hàng không tư nhân. Đến nay, cả nước đã có 6 hãng hàng không với cạnh tranh lẫn nhau.
Theo lập luận của TS Lương Hoài Nam, việc bỏ giá trần tạo ra những hạng giá vé cao hơn hiện nay nhưng để nhắm vào các nhóm đối tượng không nhạy cảm về giá, cụ thể là những hành khách chịu chi nhiều hơn để trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. Ngược lại, việc cố giữ giá trần trong dài hạn sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa, khiến cho số lượng vé máy bay giá rẻ bị sụt giảm.
Trên thực tế, việc bỏ giá trần vé máy bay đặc biệt có lợi cho hãng hàng không vào giai đoạn cao điểm (du lịch hè, Tết...) do họ có thể tăng giá vé để tối ưu lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này cũng gây lo ngại khi người dân thu nhập thấp có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ hàng không vào dịp lễ, Tết. Nguy cơ này là hiện hữu bởi hạ tầng hàng không đang quá tải, không thể nở rộng thêm.
Sau khi nghe kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), nêu ra một số vấn đề cần làm rõ nếu muốn thực hiện cơ chế này.
Thứ nhất là cả nước đến nay đã có 6 hãng bay, có thể hình thành thị trường. Nhưng trên thực tế chỉ có 3 hãng lớn. Doanh nghiệp nào có sự hỗ trợ về vốn lớn hơn thì chắc chắn các doanh nghiệp khác sẽ gặp khó khăn.
Thứ 2 là xét về tổng thể nền kinh tế thì hàng không vẫn là đầu vào của ngành du lịch. Chi phí đi lại của ngành hàng không tác động đến du lịch. Ở góc độ người tiêu dùng, nếu đi du lịch trong nước đắt quá thì họ chuyển sang đi Thái Lan hoặc các nước xung quanh.
"Liệu bỏ khung giá trần có phù hợp không và ảnh hưởng đến ngành du lịch không? Đây là bài toán phải tính rất cẩn thận", ông Bình chia sẻ.
Ông Bình khẳng định các doanh nghiệp hàng không có thể đề xuất tăng giá trần đến một mức mà người dân chấp nhận, sau đó Hiệp hội Hàng không đại diện gửi đề xuất về Ban Kinh tế Trung ương để nghiên cứu.