Theo Wall Street Journal, các công ty bán lẻ như Walmart và Nordstrom có rất nhiều hàng tồn kho. Hiện họ phải giảm giá sản phẩm để giải phóng mặt bằng cho hàng hóa dịp lễ.
Trước mùa mua sắm lớn nhất trong năm, nhiều công ty đã hạ mức lợi nhuận kỳ vọng trước tình trạng người tiêu dùng giảm chi tiêu vào các ngành hàng như quần áo và gia dụng.
Thị trường bán lẻ ảm đạm
Trong tháng 7 vừa rồi, nhà bán lẻ Best Buy đã đưa ra báo cáo về việc người tiêu dùng ngày càng ít mua TV và thiết bị điện tử do dành tiền cho xăng và hàng tạp hóa.
Chuỗi cửa hàng Dollar General cho biết mọi người đang chuyển sang mua các phiên bản giá rẻ của các mặt hàng thường ngày, chẳng hạn như bột giặt. Bên cạnh đó, thay vì trả bằng tiền mặt, khách hàng đang thanh toán nhiều hơn bằng thẻ tín dụng.
Công ty bán lẻ thú cưng Petco Health & Wellness đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số chậm nhất kể từ khi công ty này được thành lập. Ông Ron Coughlin, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết ngành công nghiệp này đang chứng kiến sự lao dốc tương tự cuộc suy thoái năm 2018.
Hiện các công ty phải cố gắng cân bằng việc phục vụ những người có thói quen chi tiêu mạnh tay và những người mua sắm một cách dè dặt. Do đó, các nhà điều hành và tư vấn bán lẻ dự đoán doanh số bán hàng trong các năm tới sẽ tăng trưởng chậm nhất trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
Các giám đốc điều hành và nhà tư vấn bán lẻ cho biết những cuộc cạnh tranh nhằm nhận được sự chú ý của người tiêu dùng sẽ diễn ra rất khốc liệt vào cuối năm nay. Theo ông Adrian Mitchell, Giám đốc tài chính của Macy, các hạng mục bao gồm quần áo ngủ, quần áo thể thao đang được công ty giảm giá rất nhiều để thu hút khách hàng.
Người mua sắm vẫn đang chi tiêu trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, giờ đây, họ đã phải mua hàng ít hơn vì mức giá ngày càng đắt đỏ. Các giám đốc điều hành tại Walmart cho biết doanh số bán hàng trong quý gần nhất đã tăng, một phần nhờ giá cả hàng hóa cao hơn và số lượt người mua sắm cũng nhiều hơn một chút.
Người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng
Anh Alex Victor năm nay 39 tuổi, sinh sống tại Florida và đang làm lính cứu hỏa. Anh cho biết ngân sách chi tiêu của anh ngày càng eo hẹp, những đồ dùng như bàn ghế và quần áo đã rất lâu không được sửa soạn, thay mới.
Để tiết kiệm tiền trong dịp giáng sinh năm nay, anh Victor cho biết mình sẽ tự tay làm những món quà. “Công việc của tôi ổn định và lương cũng không giảm. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình đã bị cắt 20% lương do lạm phát và giá xăng tăng cao”, anh Victor chia sẻ.
Theo khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC), vào mùa lễ năm nay, người tiêu dùng có kế hoạch chi tiêu ít hơn một chút so với năm ngoái. Công ty dự đoán rằng mọi người sẽ dành ít tiền hơn cho việc tặng quà và chi nhiều tiền hơn cho các bữa ăn cùng các sự kiện kỷ niệm.
Ông Kelly Pedersen, Phó chủ tịch của PwC, cho biết thế hệ Millennial sẽ là một ngoại lệ. “Thế hệ Millennial được nhận mức lương cao hơn. Đây là những người trẻ tuổi có xu hướng sống ở các thành phố và ít bị ảnh hưởng bởi giá xăng tăng cao”, ông Kelly Pedersen nhận định.
Giá thực phẩm, nhiên liệu cùng một loạt hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao đã khiến thói quen mua sắm của người dân Mỹ thay đổi. Người tiêu dùng đang trả nhiều tiền hơn cho ít hàng hóa hơn. Trong thời điểm hiện tại, họ dần có có xu hướng ưu tiên cho thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.