Theo Reuters, các thương hiệu phương Tây có thể rời khỏi Nga, nhưng hàng hóa của họ thì không. Do đó, tác động đối với người tiêu dùng Nga là không lớn, dù thời gian giao hàng lâu hơn hay giá cả tăng lên.
Các tuyến giao nhận có thể thay đổi, nhưng sản phẩm vẫn có sẵn ở cả chợ trực tuyến lẫn cửa hàng. Người mua chỉ cần biết nơi để tìm.
Điều quan trọng là phần lớn hàng hóa không phải mục tiêu trừng phạt và những dòng chảy xuyên biên giới này vẫn hợp pháp. Moscow cũng cho phép hàng hóa phương Tây tuồn vào nước dù đi theo con đường nào.
Hàng hóa vẫn chảy vào Nga
Inditex - công ty mẹ Zara - đã đóng cửa 502 cửa hàng tại Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra, rồi bán cho Daher Group (UAE). Nhưng đánh giá của Reuters cho thấy người tiêu dùng ở Nga vẫn mua được sản phẩm của Zara nhờ nhập khẩu quy mô nhỏ và bán hàng trực tuyến.
Albina, 32 tuổi, mang một chiếc vali rỗng đến Minsk vào mùa hè năm ngoái. 24 tiếng sau đó, cô trở về với 33.000 ruble quần áo của Zara, Bershka và Massimo Dutti.
Khác với hầu hết thương hiệu phương Tây tạm dừng hoạt động tại Nga, Inditex không rút khỏi Belarus - đồng minh thân cận của Moscow.
Nói với Reuters, Albina cho biết cô cũng mua quần áo ở Paris và Dubai thông qua những người bán hàng trực tuyến.
"Họ bán trên Instagram hoặc Telegram. Nhiều cô gái mà tôi biết đã chuyển đến sống ở châu Âu, Istanbul hoặc Dubai", cô chia sẻ.
"Họ gom đơn đặt hàng, giả sử ở Istanbul, lấy hoa hồng 15-30% rồi giao tới đây. Phí vận chuyển bạn sẽ chịu", cô chia sẻ.
Việc đồng ruble mạnh lên vào năm ngoái, trong khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ yếu đi cũng ảnh hưởng tới người tiêu dùng Nga. Dịch vụ giao hàng CDEK Forward ghi nhận số đơn hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 7 lần.
Mua hàng trực tuyến
Khi các chuỗi cung ứng bị phá vỡ, Nga cũng hợp pháp hóa việc nhập khẩu song song (parallel import) của những hãng bán lẻ trong nước. Như vậy, họ có thể mua hàng từ nước ngoài mà không cần được chủ sở hữu nhãn hiệu đồng ý.
Chuỗi Wildberries bán nhiều sản phẩm từ các thương hiệu của Inditex và gần 17.000 sản phẩm Zara. Một nguồn tin thân cận của Reuters cho biết đây là hàng xả kho của Inditex khi hãng ngừng hoạt động tại đây.
Wildberries và các chuỗi khác như Ozon, Yandex Market còn bán Coca-Cola. Chúng được quảng cáo là hàng nhập khẩu để người mua biết đây là hàng thật.
Coca-Cola ngừng sản xuất và bán đồ uống tại Nga vào năm ngoái. Thông tin trên vỏ lon và chai cho thấy các sản phẩm của hãng tại Nga đến từ châu Âu, Kazakhstan, Uzbekistan và Trung Quốc.
Nhưng giá cả của các sản phẩm Coca-Cola tại Nga không giống nhau. Tại một siêu thị ở Moscow, 3 lon Coca-Cola được bày bán với 3 mức giá, nhập khẩu từ Đan Mạch, Ba Lan và Anh. Và người tiêu dùng Nga phải trả nhiều hơn so với trước đây.
Trong khi đó, các dữ liệu chỉ ra những quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga đang tăng cường xuất khẩu sang nước này.
Năm ngoái, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt kỷ lục 1.280 tỷ nhân dân tệ (186 tỷ USD), còn xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng vọt 61,8% lên 9,34 tỷ USD.
Đối với các thương hiệu phương Tây, cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái và nhập khẩu trái phép sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Các đối thủ của Coca-Cola tại Nga cũng đang đẩy mạnh năng suất và tung ra những loại đồ uống mới nhằm chiếm lĩnh thị trường.
"Dần dần, các bên sẽ tìm cách đưa những sản phẩm quen thuộc với người Nga vào thị trường. Và tham vọng chuyển sang 'dùng đồ Nga' nghe có vẻ thú vị, nhưng rất khó để mọi người say mê nước ngọt của Nga", ông Ram Ben Tzion - CEO nền tảng Publican - nhận định.