Hôm 7/12, 4 cựu nhân viên đã đệ đơn kiện tập thể lên tòa án liên bang San Francisco, cáo buộc Twitter vi phạm Đạo luật Thông báo về Điều chỉnh và Đào tạo lại Công nhân (WARN) của Mỹ. Nói với báo chí, những nhân viên này khẳng định quyết định cắt giảm nhân sự của Elon Musk đã xâm hại quyền lợi của họ.
“Quyết định sa thải rất vụng về, vô nhân đạo và trái với quy định của pháp luật”, Emmanuel "Manu" Cornet, cựu nhân viên Twitter nói trong họp báo tại Phillip Burton Federal Building & United States Courthouse.
Công ty đã sa thải Cornet hồi tháng 11, ngay sau khi Elon Musk lên nắm quyền tại Twitter. Vị tỷ phú đã sa thải một nửa trong số 7.500 nhân viên để tiết kiệm chi phí.
Do đó, cô cùng 3 nhân viên khác đã quyết định kiện Twitter vì vi phạm Đạo luật WARN, yêu cầu họ phải thông báo trước 60 ngày cho người lao động trước khi thực hiện bất kỳ đợt sa thải nào ảnh hưởng đến 50 người trở lên.
Một số nhân viên còn cáo buộc Musk đã ép mọi người phải làm việc quá sức và phải đến văn phòng. Thậm chí, có những nhân viên bị khuyết tật còn bị đuổi việc vì ông cho rằng sức khỏe của họ sẽ ảnh hưởng đến công việc.
“Với Elon Musk, người giàu nhất thế giới, việc mua lại Twitter chỉ là trò đùa nhưng nó đã đẩy nhiều người đến cảnh khốn cùng”, luật sư Shannon Liss-Riordan đại diện cho 4 cựu nhân viên nói.
Trong đơn kiện, nhóm nhân viên cáo buộc đợt sa thải quy mô lớn của Twitter đã phân biệt giới tính khi gây khó dễ cho nhân viên nữ hơn nhân viên nam. Trong số những người bị sa thải, nữ giới chiếm đến 57%. “Đây không phải là điều gì bất ngờ. Phái nữ lại là người chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi đợt sa thải của Elon Musk”, luật sư Liss-Riordan nói.
Theo Cnet, một vài nhân viên bị đuổi việc cho biết họ sẽ tham gia vào đơn kiện để giúp đỡ bạn bè hoặc đồng nghiệp cũ. Willow Wren Turkal, từng làm kỹ sư tại Twitter, là một trong những người tiên phong kiện Twitter vì phân biệt giới tính.
Cô nói rằng mình vẫn giữ liên lạc với các cựu nhân viên gặp vấn đề sau khi bị sa thải. Họ không thể nuôi sống gia đình, gặp rắc rối về visa hoặc chỉ mới bắt đầu sự nghiệp đã bị “vỡ mộng” chỉ vì Twitter. “Tôi mong họ sẽ bước ra ngoài ánh sáng và giành lại những gì thuộc về mình”, Willow Wren Turkal chia sẻ.
Trước đó, một nhóm cựu nhân viên bao gồm Helen-Sage Lee, Adrian Trejo Nuñez, and Amir Shevat cũng đệ đơn kiện Twitter với cáo buộc tương tự. Nhưng nếu muốn hòa giải với những đơn kiện này, Twitter phải mất 50.000-100.000 USD/vụ.
“Theo tôi, mấu chốt nằm ở chỗ các cựu nhân viên và luật sư đang muốn làm to chuyện và đòi phí hòa giải. Mỗi phí hòa giải thôi cũng đã là một con số khổng lồ”, Rafael Nendel‑Flores, luật sư chuyên phụ trách các vụ kiện về lao động tại bang California nói.
Một nhóm cựu nhân viên khác cũng tuyên bố với Twitter rằng nếu không bồi thường phí nghỉ việc đúng như lời hứa, họ sẽ sẽ kiện công ty và đòi phí hòa giải. “Không ai ngờ một ngày họ sẽ kiện chính công ty mình gắn bó bấy lâu chỉ vì muốn công ty trả tiền và làm việc đúng với pháp luật với mình”, cựu nhân viên Helen-Sage Lee nói.
Cô cho biết Twitter đã hứa hẹn vẫn sẽ trả lương cho nhân viên bị sa thải cho đến ngày 4/1/2023 nhưng không hề nói rõ về trợ cấp thất nghiệp. Lee, Nuñez và Shevat số tiền bồi thường họ nhận được sau khi Musk mua lại Twitter hoàn toàn khác với hợp đồng trước đó. “Chúng tôi sẽ lần lượt nộp đơn kiện Twitter, khủng bố họ bằng những cáo buộc trên tòa”, cô chia sẻ.