Trước khi Elon Musk mua lại Twitter, những phát ngôn phân biệt người Mỹ da màu xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội này trung bình 1.282 lần/ngày. Kể từ sau khi vị tỷ phú trở thành chủ sở hữu mới, chúng đã tăng vọt lên 3.876 lượt/ngày.
Những phát ngôn thù ghét hướng đến người đồng tính xuất hiện trên Twitter cũng đạt ngưỡng 3.964 lần/ngày, tăng mạnh so với mức trung bình 2.506 lần/ngày trước khi Elon Musk tiếp quản. Các bài đăng thù ghét đề cập đến người Do Thái hoặc đạo Do Thái đã tăng hơn 61% chỉ trong 2 tuần kể từ khi vị tỷ phú giàu nhất thế giới mua lại nền tảng.
Những phát hiện của Trung tâm chống lại sự căm ghét kỹ thuật số, Liên đoàn chống phỉ báng cùng các nhóm nghiên cứu các nền tảng trực tuyến đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh Twitter đã thay đổi như thế nào kể từ sau khi vị tỷ phú giàu nhất thế giới hoàn thành thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD cuối tháng 10 vừa qua.
Tuy con số trên vẫn tương đối nhỏ, các nhà nghiên cứu nhận thấy tần suất các bài đăng thù ghét lại tăng cao một cách bất thường.
Mở khóa hàng loạt tài khoản gây tranh cãi
Sự thay đổi trong các chính sách về ngôn từ chỉ là phần nổi trong một loạt các thay đổi xoay quanh hoạt động của nền tảng mạng xã hội dưới thời chủ mới. Những tài khoản mà Twitter thường xuyên xóa nay đã quay trở lại một cách rầm rộ.
Các tài khoản liên quan đến QAnon, các thuyết âm mưu cực hữu nay đã trả tiền và được xác minh trên Twitter, khiến người dùng mạng xã hội nhầm tưởng các nội dung được đăng đều hợp pháp.
Theo các nhà nghiên cứu, những thay đổi này là đáng báo động, đồng thời cho biết thêm rằng họ chưa bao giờ thấy sự gia tăng mạnh mẽ về ngôn từ kích động thù địch, nội dung có vấn đề và các tài khoản trước đây bị cấm chỉ trong một thời gian ngắn như vậy trên nền tảng truyền thông xã hội chính thống.
“Elon Musk đã bật đèn xanh cho mọi phản ứng thù ghét, phân biệt chủng tộc, coi thường phụ nữ và kỳ thị đồng tính trên Twitter”, Imran Ahmed, giám đốc điều hành của Trung tâm chống lại sự ghét bỏ kỹ thuật số nhận định.
Elon Musk tự nhận bản thân là một người theo chủ nghĩa “tự do ngôn luận” và luôn tin vào các cuộc thảo luận tự do trực tuyến. Sau khi mua lại nền tảng mạng xã hội, vị tỷ phú đã nhanh chóng tiến hành đại tu lại các hoạt động của Twitter, trong đó bao gồm việc mở lại tài khoản mạng xã hội cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vào cuối tháng 11, Elon Musk đã đề xuất ân xá rộng rãi cho các tài khoản mà ban lãnh đạo cũ của Twitter cấm. Hôm 29/11, vị tỷ phú cũng đã kết thúc việc thực thi chính sách phòng chống thông tin sai lệch về COVID.
Song, Musk phủ nhận các tuyên bố cho rằng ngôn từ kích động thù địch đã gia tăng trên Twitter dưới thời của ông. Vào tháng 11, Musk đã chia sẻ một biểu đồ đi xuống cho thấy “số ấn tượng về phát ngôn gây căm thù” đã giảm 1/3 kể từ khi bản thân tiếp quản. Musk cũng không cung cấp các số liệu cơ bản hoặc chi tiết về cách đo lường các phát ngôn trên.
Những thay đổi trong nội dung của Twitter không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty. Các nhà quảng cáo, vốn chiếm đến 90% tổng doanh thu của Twitter, hiện đã giảm chi tiêu cho nền tảng này khi họ chờ xem nền tảng sẽ phát triển như thế nào dưới thời ông Musk. Một số người cho biết họ lo ngại rằng chất lượng của các nội dung trên nền tảng sẽ bị ảnh hưởng.
Vào hôm 30/11, Twitter đã tìm cách trấn an các nhà quảng cáo về cam kết của mình đối với an toàn trực tuyến. “An toàn thương hiệu chỉ khả thi khi an toàn con người là ưu tiên hàng đầu. Tất cả những điều này vẫn đúng cho đến ngày nay”, công ty viết trong một bài đăng trên blog.
Sức ép từ nhiều hướng
Bài đăng trấn an các nhà quảng cáo cũng trùng thời điểm với cuộc gặp giữa ông Musk và Thierry Breton, giám đốc kỹ thuật số của Liên minh châu Âu. Theo phát ngôn viên của EU, cả 2 đã thảo luận về các quy định và quy trình kiểm duyệt nội dung.
Ông Breton đã thúc ép vị tỷ phú giàu nhất thế giới tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, một luật của Châu Âu yêu cầu các nền tảng xã hội giảm tác hại trực tuyến nếu không sẽ bị phạt tiền cùng các hình phạt khác.
Người phát ngôn cũng cho biết ông Breton đang lên kế hoạch đến thăm trụ sở chính của Twitter tại San Francisco vào đầu năm 2023 để đánh giá khả năng kiểm duyệt nội dung và chống lại thông tin sai lệch của nền tảng này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Elon Musk có đưa ra các chính sách để đối phó với những phát ngôn sai lệch, hay liệu Twitter có nhân viên để theo kịp việc kiểm duyệt mà vị tỷ phú đề ra hay không.
Chỉ trong tháng 11, Musk đã sa thải, hoặc chấp nhận đơn từ chức của hơn một nửa nhân viên công ty, bao gồm cả những kiểm duyệt viên trên nền tảng mạng xã hội. Trưởng bộ phận an toàn của Twitter, Yoel Roth, cũng nằm trong số những người rời bỏ mạng xã hội này.
Liên đoàn Chống Phỉ báng, tổ chức thường xuyên gửi các báo cáo, theo dõi những bài đăng bài trừ người Do Thái lên Twitter, cho biết từ việc gỡ bỏ 60% số tweet Liên đoàn báo cáo, nay con số giảm xuống chỉ còn 30%.
“Chúng tôi đã khuyên Musk rằng Twitter không nên chỉ giữ nguyên các chính sách mà họ đã áp dụng trong nhiều năm mà nên dành nguồn lực cho phát triển thêm các chính sách hiện có. Cho đến nay, các hành động của ông Musk thể hiện công ty không cam kết thực hiện một quy trình minh bạch, mà thay vào đó, khuyến khích những kẻ phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính và bài trừ người Do Thái”, Yael Eisenstat, phó chủ tịch của Liên đoàn Chống phỉ báng chia sẻ sau khi gặp chủ nhân mới của Twitter vào tháng 11.
Việc chậm trễ trong việc hành động đã khiến nhiều tài khoản liên kết với các nhóm khủng bố và những vấn đề sai lệch khác được tạo. Theo Viện Đối thoại Chiến lược, trong 12 ngày đầu tiên kể từ khi Elon Musk nắm quyền kiểm soát, 450 tài khoản liên quan đến ISIS đã được tạo, tăng 69% so với lúc trước. Các công ty truyền thông xã hội giờ đây cũng ngày càng quan tâm đến cách Twitter kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của mình.