Thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng cho biết tính đến ngày 30/11, trên địa bàn Hải Phòng có 461 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên là 637,3 tỷ đồng, bao gồm cả lãi chậm đóng.
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng, các đơn vị nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tập trung tại các doanh nghiệp thuộc các ngành cơ khí, lắp máy, đóng tàu, vận tải đường biển, sản xuất gang, thép, xây dựng, giày dép, may mặc…
Trong đó, đứng đầu là các đơn vị thuộc tập đoàn SBIC (Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ) có số nợ chậm đóng, lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 344,5 tỷ đồng. Các đơn vị thuộc khối lắp máy (Công ty Cổ phần Lilama 69/2, Lisemco 3, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng Amecc) có tổng số nợ chậm đóng, lãi chậm đóng hơn 56,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn Hải Phòng có 1.135 đơn vị dừng giải thể, phá sản có số nợ chậm đóng, lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tổng số hơn 131,3 tỷ đồng, trong số này có các Công ty cổ phần Lisemco, nợ chậm đóng tổng cộng hơn 64,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lisemco 5 nợ chậm đóng hơn 21,4 tỷ đồng.
Nguyên nhân các đơn vị nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp được xác định do tác động của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động tạm thời ngưng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, làm tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp, giảm người tham gia bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng cho rằng còn có nguyên nhân do một bộ phận người sử dụng lao động cố tình trì hoãn, né tránh việc đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc đóng với mức lương thấp do đã thỏa thuận với người lao động theo hợp đồng lao động, đóng không đủ số lao động, chuyển sang hợp đồng khoán công việc, thuê mướn theo ngày theo tuần, cố tình chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.
Tại một số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn kéo dài chưa xử lý được hay những đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản không có khả năng thanh toán cho bảo hiểm xã hội đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.