Tờ CNN đưa tin một nông dân người Canada đã bị yêu cầu bồi thường thiệt hại lên đến hơn 82.000 đôla Canada (tương đương 1,5 tỷ đồng) chỉ vì sử dụng biểu tượng “like” (giơ ngón tay cái) trong tin nhắn.
Theo các tài liệu của tòa án tỉnh Saskatchewan, tháng 3/2021, công ty South West Terminal (SWT) đã gửi tin nhắn văn bản tới các nhà cung cấp cũ với mong muốn mua cây lanh với giá 17 đôla Canada một giạ (khoảng 25kg), giao hàng vào tháng 10, tháng 11 hoặc tháng 12 cùng năm.
Sau khi gọi điện với 2 nông dân Bob và Chris Achter, SWT soạn thảo hợp đồng để Chris Achter bán 86 tấn lanh với giá 17 đôla Canada/giạ và giao hàng vào tháng 11.
Người đại diện SWT đã ký hợp đồng bằng bút mực rồi gửi ảnh chụp qua điện thoại di động cho Chris Achter cùng thông báo “Vui lòng xác nhận hợp đồng”. Đáp lại, Achter chỉ trả lời bằng một biểu tượng “like”.
Theo tài liệu của tòa án, Achter không giao hàng vào tháng 11/2021. Thời điểm đó, giá lanh đã tăng lên mức 41 USD/giạ.
Đại diện của SWT cho biết họ đã thực hiện ít nhất 4 hợp đồng khác với Achter qua hình thức trên. Tuy nhiên, điểm khác biệt là lần này, thay vì trả lời “Ok” hay “Có vẻ được đấy”, Achter chỉ nhắn biểu tượng “like”.
Về phần mình, Achter nói rằng ông ấn “like” chỉ đơn giản là “xác nhận đã nhận được hợp đồng” chứ không phải đồng ý với các điều khoản trong đó. Theo Achter, SWT đã không gửi các điều khoản và điều kiện đầy đủ của hợp đồng cho ông trong khi ông cho rằng họ sẽ gửi hợp đồng hoàn chỉnh qua email hoặc fax để ông xem lại và ký tên.
“Họ thường xuyên nhắn tin cho tôi và nhiều lần chỉ là nội dung không chính thức”, ông cho biết thêm.
Trong khi đó, luật sư của Achter bày tỏ quan điểm: “Nếu tòa án coi nút like là sự đồng ý đối với các hợp đồng, họ sẽ phải giải quyết rất nhiều trường hợp kiện tụng liên quan đến việc định nghĩa các biểu tượng cảm xúc khác nhau”. Người này cho rằng nút “like” không thể thay thế việc ký tên.
Ngoài ra, Achter cũng khẳng định ông sẽ không bao giờ ký hợp đồng bán sản phẩm nếu điều khoản về thiệt hại do thiên nhiên không đi kèm. Mặc dù vậy, thẩm phán cho biết thỏa thuận giữa 2 bên ít nhất đã được thực hiện bằng lời nói.
Thẩm phán giải thích: “Tôi nghiêng về khả năng Achter đã đồng ý với hợp đồng này giống như cách đã làm trước đó, ngoại trừ việc lần này dùng biểu tượng like. Tôi cho rằng hành động đó cho thấy Achter đã chấp thuận hợp đồng chứ không đơn giản là đã nhận và sẽ suy nghĩ. Hơn nữa, họ đã đồng thuận như vậy trong các lần trước”.
Cuối cùng, thẩm phán đưa ra phán quyết phạt Achter 82.000 đôla Canada cộng với tiền lãi và chi phí liên quan đến việc không giao hàng.
Trên thực tế, việc người bán bị phạt vì không giao hàng không hiếm nhưng trường hợp mất tiền chỉ vì một biểu tượng “like” như Achter có lẽ rất ít xảy ra bởi các bên thường ký hợp đồng ngoài đời thực hơn là giao kèo qua tin nhắn như vậy.