Ngân hàng mở (open banking) được đánh giá là một trong những dấu ấn quan trọng của quá trình đổi mới công nghệ tài chính và là một khái niệm có thể ảnh hưởng tới cách thức vận hành và cung ứng dịch vụ của ngành Ngân hàng.
Ngân hàng mở sẽ đưa trải nghiệm khách hàng lên một tầm mới, hỗ trợ phát triển mô hình hoạt động lấy khách hàng làm trung tâm, từ đó ngân hàng thiết kế và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ được cá nhân hóa...
Để có thể "may đo", cung cấp các sản phẩm đúng kích cỡ, sở thích của khách hàng các đơn vị cần có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu. Việc này cũng đồng thời giúp các đơn vị ngành dịch vụ tài chính có thể đưa ra nhiều sản phẩm và dịch vụ với chi phí thấp hơn.
Các tổ chức cũng có thể tiếp cận thị trường tốt hơn do tận dụng dữ liệu hiệu quả. Ngân hàng mở cho phép hợp nhất tất cả các dữ liệu ngân hàng trên một ứng dụng, khách hàng có thể xem, sửa, kiểm soát tài khoản một cách thuận tiện...
Bởi thế, giới chuyên gia nhìn nhận, tư duy về ngân hàng mở cần được hiện thực hoá ngay trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng thời gian tới.
Muốn làm được như vậy, theo bà Trần Thị Thuý Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành dịch vụ tài chính cần xem xét mức độ sẵn sàng về công nghệ liên quan đến hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng tích hợp giao diện lập trình ứng dụng (API); mức độ sẵn sàng về nhân lực với việc xây dựng và quản trị các API; sẵn sàng về ngân sách trong phục vụ nâng cao và phát triển các API và nhu cầu khách hàng để phù hợp với các yêu cầu về sản phẩm và dịch vụ.
Với open banking, TS. Phan Thanh Đức - Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý Học viện Ngân hàng nhìn nhận, khái niệm này cũng đồng nghĩa với việc chia nhỏ các sản phẩm ra để bán dưới sự hỗ trợ của API, từ đó các ngân hàng có thể cải thiện hơn các sản phẩm phục vụ khách hàng.
Điểm quan trọng của API được TS. Phan Thanh Đức lưu ý là việc đảm bảo truy cập dữ liệu khách hàng một cách an toàn thông qua kết nối liền mạch với các định chế tài chính. Cùng với đó, cần có những quy định rõ ràng về quản lý, định danh và giải quyết tranh chấp, các quy định chi tiết về cho phép các định chế tài chính phát triển và phân phối các sản phẩm...
Để ngân hàng mở có thể phát triển, ông Đặng Minh Sang - chuyên gia chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Viet Lotus đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng và duy trì hệ sinh thái an toàn. Sự phát triển của mô hình ngân hàng mở phụ thuộc rất nhiều vào mức độ trưởng thành của hệ sinh thái tài chính, trong đó Fintech đóng vai trò là thành tố quan trọng. Các kết nối và quy trình phức tạp khiến nguy cơ rủi ro bảo mật cao.
Đơn cử, các công ty Fintech quy mô nhỏ thường thiếu các quy chuẩn kỹ thuật và bảo mật đồng nhất khi kết nối dữ liệu với các đơn vị lớn, với các hệ thống công nghệ và chuỗi truy cập dữ liệu phức tạp có thể gây ra nhiều rủi ro về bảo mật…
Bên cạnh đó, khung pháp lý về ngân hàng mở tại Việt Nam đã có nhưng chưa đầy đủ. Hiện cơ quan chức năng chưa ban hành các quy định, hướng dẫn về open API cũng như những tiêu chuẩn chung về hệ thống thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật kết nối…
Hiện nay, việc triển khai các ứng dụng trên phần lớn dựa vào những hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, quy định về ngân hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Do đó, các ngân hàng mới chỉ triển khai ngân hàng mở ở mức độ cầm chừng để chờ quy định, hướng dẫn cụ thể. Sự thành công của mô hình ngân hàng mở còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận của khách hàng về dịch vụ này.
Bà Trần Thị Thuý Ngọc chia sẻ thêm, trách nhiệm pháp lý và quản lý tranh chấp cần được thiết lập rõ ràng và thống nhất giữa các bên, trên cơ sở ưu tiên phát triển và cải tiến trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo có nhân sự đủ năng lực để vận hành hệ thống và phản ứng nhanh trước các sự cố.
Ngoài ra, các đơn vị cần xây dựng kiến trúc linh hoạt, có thể nhân rộng và thuận tiện trong kết nối tích hợp; tuân thủ các thông lệ và chuẩn mực quốc tế như FAPI và ISO 20022 đảm bảo các cơ chế an ninh được vận hành kiểm soát tốt...
“Chia sẻ dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở”, đại diện Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.
Đây cũng là vấn đề NHNN rất quan tâm và đã có những đường hướng để phát triển. Hiện NHNN đang theo đuổi bốn mục tiêu: nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về Open API; nghiên cứu và xây dựng hướng dẫn chia sẻ dữ liệu Ngành (hoàn thành trong năm 2022); Giai đoạn từ 2025 - 2027, phấn đấu hoàn thành thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa ngân hàng và các bên thứ ba để thực hiện phân tích rủi ro dựa trên dữ liệu thay thế; Thúc đẩy ứng dụng mô hình BaaP với các bên thứ ba…