Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng:
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển chủ đạo của nhiều quốc gia
Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số.
Tại Việt Nam, lĩnh vực thanh toán thường được NHNN, các tổ chức tín dụng ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân.
Chuyển đổi số cũng đóng vai trò "cửa ngõ" để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng-tài chính khác như tiền gửi tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân…và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng/tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Từ những định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, NHNN đã chủ động nghiên cứu, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; trình Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán như mã QR code, thẻ chíp nội địa tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán.
Các hạ tầng dùng chung như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia liên tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.
Ngành Ngân hàng cũng phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các phương án kết nối, khai thác thông tin công dân tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip phục vụ xác thực, làm sạch dữ liệu khách hàng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Đến nay, ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hoá đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng:
Chuyển đối số ngân hàng cần sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều ngành, lĩnh vực
Chuyển đổi số ngành ngân hàng có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống nhưng để làm được chuyển đổi số, ngành Ngân hàng cũng cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Những con số về chuyển đổi số ngành ngân hàng mới đây được nêu ra là ấn tượng mà cách đây vài ba năm không bao giờ nghĩ đến, đó là tỷ lệ người trưởng thành mở tài khoản ngân hàng đạt 68%. Nhưng trong thời gian tới, mục tiêu sẽ là đưa tất cả dịch vụ lên mobile, tăng trưởng trên mobile lên tới 90%, nhiều ngân hàng đạt giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí…
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung tháo gỡ về pháp lý, xử lý khoản vay nhỏ lẻ trên nền tảng công nghệ; với sự phát triển nhanh chóng của số lượng và giao dịch thì phải xây dựng các hạ tầng, bởi với mức tăng trưởng lên tới 80-90% cần có hạ tầng đáp ứng tốt; tiếp tục phối hợp với cơ quan truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân biết và có thể tiếp cận được dịch vụ, đưa nhiều dịch vụ ngân hàng tới cuộc sống, phục vụ tốt hơn.
Đồng thời, trong quá trình chuyển đổi số hướng đến thanh toán không tiền mặt, ngành Ngân hàng cần có sự kết hợp và tích hợp giữa hệ thống ngân hàng và các ngành lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Thêm nữa đối với vấn đề an ninh an toàn cần phải hết sức quan tâm, vì đi cùng dịch vụ số, thanh toán số là những nguy cơ có thể xảy ra.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Lê Anh Dũng:
Thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế
Hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch COVID-19 đã khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng.
Để đáp ứng nhu cầu - xu hướng đó, ngành Ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm.
NHNN cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Nhờ đó, hoạt động thanh toán đã đạt một số kết quả nổi bật là tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 68%. Cả nước đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Từ Tiến Phát:
Cơ hội cho các ngân hàng mở rộng dịch vụ eTAX
Hiện nay, hệ thống đang có mạng lưới rộng ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cách đây 3 năm tỷ lệ sử dụng tài khoản, ngân hàng điện tử ở vùng này rất nhỏ nhưng ngân khi đến từng nhà, từng người mời sử dụng dịch vụ, thì nay tỷ lệ CASA vùng này lên tới 22%.
Trong thời gian tới, tiềm năng nhất hiện nay là eTAX (phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử). Tuy nhiên tỷ lệ người dân biết đến và sử dụng dịch vụ này chưa cao do vậy sẽ là cơ hội cho các ngân hàng mở rộng dịch vụ.
Để tạo cơ hội cho phát triển, ngành thuế cần mở rộng kết nối hơn nữa với các ngân hàng để phát triển dịch vụ này. Bên cạnh đó, dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được mong đợi, hy vọng kết nối này có trong tháng 6-7 năm nay để có thể hỗ trợ thông tin cho người dân.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Minh Tâm:
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập
Với ngành Ngân hàng, những giao dịch thanh toán qua thiết bị di động tăng cao, góp phần thúc đẩy giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. Ngay cả vùng nông thôn có yếu tố công nhân, công nghiệp cũng có tới 98%, còn cao hơn đô thị.
Qua đại dịch COVID-19 tốc độ thanh toán qua thương mại điện tử tại ngân hàng tăng rất cao, việc thanh toán hiện này là phổ biến và thích ứng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập.
Theo định hướng, ngân hàng đã đưa những nền tảng phát triển dịch vụ, sản phẩm trên online được chuẩn bị sẵn sàng. Ngân hàng mong muốn mở rộng với các dịch vụ thanh toán công thông qua kết nối API; thay đổi từ thí điểm chuyển sang đặt ra các tiêu chuẩn để nếu cơ sở nào có thể đáp ứng được sẽ thực hiện tốt…. Ngân hàng cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin về kết nối, thanh toán xuyên quốc gia để tạo hội nhập tốt hơn.
Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:
Nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ
Ứng dụng không dùng tiền mặt là xu hướng nhưng thách thức lớn đặt ra đó là cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn khó khăn, hệ thống internet chưa thực sự phát triển nên cản trở thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát triển nhiều hình thức khác nhau để vừa giảm thiểu tới mức tối đa thanh toán dùng tiền mặt, khoa học công nghệ phát triển rất mạnh mẽ nhưng mức độ bảo mật chưa theo kịp và tội phạm công nghệ tinh vi hơn trở thành vấn đề cần lưu tâm.
Do đó, việc quản lý tài khoản, nâng cao nhận thức của người sử dụng rất quan trọng vì hầu hết vụ mất tiền thời gian vừa qua có liên đới tới người sử dụng. Ở đó, người sử dụng vô tình hoặc không hiểu biết mà để lộ lọt thông tin sẽ rất nguy hiểm. Để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân trong không dùng tiền mặt cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp kỹ thuật số, đặc biệt là doanh nghiệp bảo mật kỹ thuật số.