Là họa sĩ tự do, Amber Yu thường kiếm được khoảng 3.000-7.000 nhân dân tệ/tháng (430-1.000 USD) từ những poster cho video game mình vẽ. Công việc của cô là thực hiện các poster quảng cáo, đăng tải trên các mạng xã hội để thu hút người chơi hay giới thiệu tính năng mới.
Amber Yu cho biết công việc này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và tốn thời gian. Đơn cử như cô đã mất cả một tuần để hoàn thành bức vẽ trang phục truyền thống của Trung Quốc từ bước vẽ phác thảo trên Adobe Photoshop đến tô màu và hoàn thiện chi tiết.
Nhưng kể từ tháng 2, những lời mời hợp tác làm việc của Yu đã hoàn toàn biến mất. Các công ty game hiện nay đều có bộ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nên dễ dàng tạo ra những bức vẽ tương tự chỉ trong vài giây. Nữ họa sĩ cho biết cô hiện chỉ được làm một vài công việc đơn giản như sửa bản vẽ, chỉnh sáng và phác họa các bộ phận cơ thể theo tỷ lệ hợp lý.
Dùng AI, 2 người làm phần việc của 10 người
Theo Rest of World, sự xuất hiện của các công cụ tạo lập hình ảnh bằng AI như DALL-E, Midjourney hay Stable Diffusion vào năm 2022 đã cho phép người dùng có thể sản xuất ra những sản phẩm đồ họa chỉ từ câu lệnh, yêu cầu ngắn.
Gần đây, hàng loạt công ty video game ở Trung Quốc từ những gã khổng lồ như Tencent đến những lập trình game độc lập đều sử dụng AI để thiết kế và tạo ra những nhân vật, khung nền và các sản phẩm quảng cáo cho game.
Song, sự trỗi dậy của AI cũng gây ra không ít lo ngại trên thị trường sáng tạo game. Các nghệ sĩ trước đây vốn đóng vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất game giờ đây chỉ thực hiện những nhiệm vụ đơn giản như phác thảo nhân vật, vẽ hậu cảnh. Do đó, họ lo lắng rằng AI sẽ thay thế công việc của họ.
“AI đang phát triển với một tốc độ đáng gờm, thậm chí còn vượt ngoài sức tưởng tượng của con người”, họa sĩ Xu Yingying của studio game ở Trùng Khánh chia sẻ. Công ty của cô thường phụ trách thiết kế cho những nhà phát triển game đình đám ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây 5 họa sĩ đội vẽ nhân vật đã bị sa thải chỉ trong 4 tháng đầu năm. Xu Yingying cho rằng nguyên nhân phần lớn đến từ bộ công cụ AI. “Với AI, chỉ hai người cũng có thể hoàn thành phần việc của 10 người cùng làm trước đây”, nữ họa sĩ chia sẻ.
Trong nhiều năm qua, các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Tencent và NetEase cũng đang nghiên cứu cách giảm chi phí phát triển game bằng cách ứng dụng AI. Hồi tháng 3, tựa game hành động sinh tồn Naraka: Bladepoint của NetEase đã phát hành một tính năng cho phép người dùng tự sáng tạo các bộ trang phục (skin) cho các nhân vật bằng AI. miHoYo và NetEase còn dùng trí tuệ nhân tạo để tạo giọng nói cho nhân vật game.
Nói với Rest of World, đại diện NetEase cho biết đã ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ xây dựng hiệu ứng game dựa trên các bộ dữ liệu được cho phép sử dụng. “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển những công cụ giúp đội thiết kế và họa sĩ có thể làm việc nhanh chóng và hiệu quả hơn”, đại diện cho biết.
Bỏ nghề vì tranh AI quá đẹp
Theo Rest of World, các tác phẩm bằng AI còn đẹp đến mức khiến nhiều họa sĩ muốn bỏ nghề. “Nguồn thu nhập của chúng tôi đột nhiên bị hủy hoại”, một nghệ sĩ giấu tên chia sẻ. Họa sĩ tự do Amber Yu cũng cho biết điều đáng buồn là các thuật toán đang dần thay thế vai trò của các họa sĩ như cô.
Trong khi đó, chúng chỉ là những bộ máy vô tri được rèn luyện dựa trên bộ dữ liệu mà nhân loại đã mất hàng thập kỷ để xây dựng. Tuy nhiên, cô vẫn phải chấp nhận sự thật và dùng chính những tác phẩm của mình để dạy AI, tăng hiệu quả công việc. “Tôi là một nghệ sĩ thực thụ, chắc chắn sẽ ăn đứt máy móc. Nhưng tôi cũng phải kiếm tiền mà thôi”, Amber Yu nói.
Các họa sĩ cho biết nhiều công ty khuyến khích họ dùng các công cụ tạo lập hình ảnh AI để nâng cao hiệu suất. Ở studio của Xu Yingying, những công cụ này được dùng để tạo quần áo, phụ kiện dựa trên bản vẽ thật. Các nhà thiết kế game cũng dùng phần mềm AI để vẽ những hộp kho báu, đồng tiền.
Một nghệ sĩ ở Quảng Đông nói các đồng nghiệp của anh thường chỉ vẽ được một cảnh hoặc một nhân vật/ngày. Với sự giúp đỡ của AI, hiện họ đã có thể vẽ 40 tấm/ngày để sếp thoải mái lựa chọn. Song, năng suất cao cũng đồng nghĩa là mệt mỏi và căng thẳng hơn hơn.
“Tôi ước những phần mềm này sớm biến mất”, nghệ sĩ này bộc bạch. Nỗi sợ bị sa thải đã khiến cô và đồng nghiệp cạnh tranh với nhau hơn. Họ làm thêm giờ, thức khuya để tạo ra nhiều sản phẩm hơn.
Theo Leo Li, chuyên viên tuyển dụng trong ngành, số lượng họa sĩ đã giảm 70% trong năm qua. Nguyên nhân không chỉ bởi chính sách khắt khe, kinh tế xuống dốc mà còn đến từ cơn sốt AI. “Có AI trong tay, các sếp cứ nghĩ mình chẳng cần nhiều nhân viên đến vậy”, Li chia sẻ.
Làn sóng tẩy chay tranh AI
Nhưng trong cộng đồng game thủ, nhiều người tỏ ra phản đối các bức vẽ bằng AI và gọi chúng là “bản nhái thất bại” của nghệ thuật do con người tạo ra. Họ còn chỉ trích những người lấy tác phẩm từ Internet mà không có sự cho phép của tác giả. Các game thủ bắt bẻ các bức vẽ bằng AI từ phần tay trông thiếu tự nhiên đến kính mắt bị đặt sai chỗ…
Hồi tháng 2, sau khi loạt người chơi tố cáo họa sĩ nổi tiếng dùng AI để làm poster cho tựa game Alchemy Stars, các nhà phát triển đã khẳng định sẽ không sử dụng tác phẩm này trong game và tỏ ra phản đối việc dùng tác phẩm của AI.
Một số người chơi còn khẳng định rằng họ không muốn trả tiền cho các tác phẩm từ trí tuệ nhân tạo. “Dưới góc độ là người tiêu dùng, tôi muốn sản phẩm mình mua phải có lao động thực chất. Những sản phẩm bằng AI có thể khiến mọi người nghĩ chúng là đồ rẻ tiền”, kỹ sư Xie Jinsen đồng thời là người chơi Vương giả Vinh diệu và PUBG chia sẻ với Rest of World.
Bên cạnh đó, bộ công cụ tạo lập hình ảnh AI cũng có một vài nhược điểm nhất định như chỉ giỏi vẽ anime hoặc phong cách cyberpunk mà không chuyên về những thể loại đậm tính nghệ thuật hơn.
Zigi Mo, Giám đốc Huanxiong Studio, đã áp dụng Midjourney và Stable Diffusion từ đầu năm nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Ít nhất ở chỗ chúng tôi, AI vẫn không thể thay thế nghệ sĩ thực thụ. Nó chỉ là công cụ hỗ trợ”, Zigi Mo nói.
Theo nhà phát triển game Xiao Di, áp lực mà các họa sĩ đang phải chịu đựng sẽ sớm lan sang các ngành nghề khác. “Mọi cuộc cách mạng công nghệ sẽ khiến một vài người bị bỏ lại. Tranh vẽ bằng AI chỉ là khởi đầu”, Xian Di nhận định.