Mọi ánh mắt đang hướng về FIFA World Cup 2022 ở Qatar vào lúc này.
Cách đây hơn một thập kỷ, quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông được chọn đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh, một phần nhờ vào nỗ lực của hoàng tộc Thani trị vì Qatar.
Theo Bloomberg, hơn 300 tỷ USD được chi cho cơ sở hạ tầng và sân vận động trong suốt 12 năm để chuẩn bị cho giấc mơ World Cup.
Dù vậy, hoàng gia Qatar cũng gây tranh cãi khi cấm bán rượu bia tại các sân vận động chỉ vài giờ trước khi giải đấu bắt đầu, theo Daily Star. Công tác chuẩn bị trước sự kiện cũng bị soi xét nhiều do vi phạm nhân quyền.
Đứng đầu là Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Qatar được biết đến là một trong những vương triều giàu có nhất còn tồn tại trên thế giới, SCMP đưa tin.
Với khoảng 8.000 thành viên, gia đình này có tổng tài sản ròng khoảng 335 tỷ USD đến từ nhiều dòng tiền, bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm các khoản đầu tư vào bất động sản như tòa nhà chọc trời Shard, cửa hàng bách hóa Harrods (London, Anh), tòa nhà Empire State (New York, Mỹ), làng Olympic và cổ phần tại Ngân hàng Barclays, British Airways và công ty ôtô Volkswagen.
Cung điện dát vàng
Hoàng tộc Thani sống trong Cung điện Hoàng gia dát vàng ở Doha. Nơi này bao gồm 15 cung điện khác nhau và bãi đậu xe cho hơn 500 ôtô với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD, Traveler's Top ước tính.
Năm 2019, tiểu vương Qatar cũng cho xây dựng một cung điện trắng khác ở Oman, bao gồm các vật liệu tương tự được sử dụng cho Cung điện Hoàng gia ở Doha.
Chưa hết, năm 2013, Sheikha Mozah bint Nasser Al Missned, một trong 3 người vợ của cựu Tiểu vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, đã mua 3 căn nhà ở Cornwall Terrace tại Regent's Park (London) với giá khoảng 140 triệu USD, theo truyền thông Anh. Kế hoạch là biến tất cả thành siêu biệt thự với 17 phòng ngủ, 14 phòng khách, rạp chiếu phim, quán nước trái cây và hồ bơi, BBC đưa tin.
Siêu du thuyền
Khi không ở nhà, có lẽ gia đình hoàng gia Qatar đang nằm phơi nắng trên một trong những “cung điện nổi” của họ.
Tiểu vương được cho là sở hữu The Katara - một trong những siêu du thuyền lớn nhất và đắt nhất thế giới. Với giá gần 400 triệu USD, con tàu dài 124 m có sân đỗ trực thăng và nhiều boong có thể chứa tới 35 khách, 90 thành viên thủy thủ đoàn, theo truyền thông Anh.
Đó chắc chắn không phải du thuyền duy nhất của họ. Năm 2019, Megayacht News đưa tin vụ hỏa hoạn tại một xưởng đóng tàu ở Doha đã thiêu rụi 3 chiếc du thuyền của hoàng tộc Thani, mỗi chiếc trị giá hàng chục triệu USD.
Hãng hàng không tư nhân
Hoàng gia Qatar cũng là “chủ” của bầu trời. Năm 1977, họ thành lập hãng hàng không độc quyền, Qatar Amiri Flight, chỉ phục vụ thành viên hoàng gia và nhân viên chính phủ cấp cao của đất nước.
Theo Plane Spotters, hãng hiện có 14 máy bay, trong đó có 3 chiếc Boeing 747-8 khổng lồ - loại máy bay thương mại đắt nhất của hãng với giá hơn 400 triệu USD/chiếc.
Những mẫu khác là của Airbus, bao gồm chiếc Airbus A340-300 trị giá từ 350 triệu USD đến 500 triệu USD. Những chiếc còn lại nằm trong khoảng 100 triệu-300 triệu USD, theo Simple Flying.
Siêu xe tốc độ
Hoàng tộc Thani cũng có dàn xe hoành tráng. Các thành viên hoàng gia được trông thấy lái những mẫu ưa thích từ những thương hiệu đắt tiền nhất.
Trong số đó, tiểu vương có bộ sưu tập với vài chiếc Bugatti như Divo, Veyron và Chiron; một chiếc LaFerrari Aperta coupe màu đỏ; một chiếc Lamborghini Centenario coupe và Centenario Roadster màu trắng; một chiếc Mercedes AMG 6x6; một chiếc Rolls-Royce Phantom, theo Select Car Leasing và Qatar Just.
Tác phẩm nghệ thuật vô giá
Bên cạnh siêu du thuyền, siêu xe và máy bay, nghệ thuật là niềm đam mê khác của gia đình hoàng gia Qatar. Họ đã chi hàng tỷ USD cho hàng nghìn bức tranh và đồ sưu tầm trong những năm qua, theo Insider.
Một vài trong số này có giá hàng chục triệu USD, chẳng hạn như bức tranh White Center của Mark Rothko với giá 72,8 triệu USD hay Men in Her Life của Andy Warhol với giá 63,4 triệu USD, theo Artnet News.
Năm 2011, hoàng tộc Thani đã mua tác phẩm The Card Players của Cézanne với giá 250 triệu USD, biến nó trở thành bức tranh đắt nhất thế giới được bán vào thời điểm đó, theo The Art Wolf. Ngày nay, đây vẫn là bức tranh đắt thứ 3 sau bức Interchange của Willem de Kooning, được bán với giá 300 triệu USD vào năm 2015 và bức Salvator Mundi của Leonardo da Vinci, có giá 450 triệu USD vào năm 2017.
Các câu lạc bộ bóng đá
Hoàng gia Qatar dường như cũng yêu thích thể thao không kém gì sự xa xỉ. Họ từng tổ chức nhiều giải vô địch quốc tế như Asian Games 2006, AIBA World Boxing Championship 2015 và FIFA World Cup 2022.
Trong số đó, bóng đá dường như được yêu mến hơn cả. Tiểu vương Qatar thành lập Qatar Sports Investments (QSI) vào năm 2004 và cuối cùng trở thành chủ sở hữu của Paris Saint-Germain vào năm 2011, theo BBC.
Vào tháng 10, gia đình này cũng mua 21,7% cổ phần của SC Braga, một trong những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu ở Bồ Đào Nha, theo trang web của QSI.
Cựu Thủ tướng Qatar Sheikh Abdullah Bin Nasser Al Thani mua câu lạc bộ Tây Ban Nha Málaga vào năm 2010 trong khi thành viên Khalid Faleh Al Thani được cho là sẵn sàng đầu quân cho giải Serie A Sampdoria của Italy, theo Football Italia.