Theo Financial Times, ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, kiêm giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí quốc gia, đã đi khắp thế giới trong vài tuần qua, từ Namibia đến Guyana, Suriname, Mỹ, Ai Cập.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy nhu cầu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) của Qatar tăng vọt. Điều này mang về nguồn doanh thu khồng lồ cho đất nước và củng cố vị thế của công ty quốc doanh QatarEnergy trên thị trường năng lượng thế giới.
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Qatar đã tăng 2/3 lên 32 tỷ USD.
Ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, kiêm giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí quốc doanh QatarEnergy. Ảnh: Reuters.
Gã khổng lồ dầu khí
Qatar đã chi 300 tỷ USD trong vòng 12 năm sau khi giành quyền đăng cai World Cup. Hàng trăm tỷ USD được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có 7 sân vận động, hàng nghìn phòng khách sạn và hệ thống tàu điện ngầm mới nhằm phục vụ 1,5 triệu du khách đến xem World Cup 2022.
Phần lớn trong số đó được chi trả bằng doanh thu từ xuất khẩu LNG của QatarEnergy.
QatarEnergy đã xây dựng một danh mục thăm dò lớn trong thập kỷ qua, bao gồm góp cổ phần trong các dự án ở Brazil, Canada, Vịnh Mexico, Guyana, Suriname, Namibia, Ai Cập, Angola và Nam Phi.
Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng bên ngoài Qatar từ tương đương 45.000 thùng dầu/ngày lên 500.000 thùng/ngày vào năm 2030.
Phần lớn trong số 300 tỷ USD được chi trả bằng doanh thu từ xuất khẩu LNG của QatarEnergy. Ảnh: Reuters.
Trong nước, Qatar sản xuất hơn 5 triệu thùng/ngày, bao gồm dầu và một lượng lớn LNG.
Việc mở rộng ra quốc tế là bất thường với một công ty quốc doanh ở vùng Vịnh. Saudi Aramco và Abu Dhabi National Oil Company đều từng đầu tư vào các dự án năng lượng ở nước ngoài nhưng đã sớm từ bỏ.
Thay vào đó, họ đều tập trung vào tối đa hóa sản lượng trong nước.
Những ván cược lớn
Thúc đẩy sản lượng LNG trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu của QatarEnergy. Tuy nhiên, ông Kaabi cho biết nguồn dầu thô từ những quốc gia như Namibia có thể "mang lại sự linh hoạt" và đa dạng hóa cung năng lượng.
"Chúng tôi muốn danh mục đầu tư có cả dầu và khí đốt", ông cho biết.
"Việc kiếm tiền từ khí đốt vẫn là ưu tiên hàng đầu của Qatar. Nhưng các vị có thể thấy họ đang muốn mở rộng hơn nữa", chuyên gia Frank Harris tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie bình luận.
Được thành lập vào năm 1974 với tên gọi Qatar Oil, gã khổng lồ khí đốt quốc doanh sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Đầu thập niên 90, Qatar nợ nần chồng chất và đối mặt nguy cơ phá sản bởi những ván cược vào xuất khẩu LNG.
Việc kiếm tiền từ khí đốt vẫn là ưu tiên hàng đầu của Qatar. Nhưng các vị có thể thấy họ đang muốn mở rộng hơn nữa.
Chuyên gia Frank Harris tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie
Vào năm 1992, tập đoàn dầu khí Anh BP đã rút khỏi dự án North Field với QatarEnergy vì lo ngại về lợi nhuận. North Field - mỏ phía Bắc Qatar - có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới.
Nhưng 5 năm sau đó, Qatar khánh thành cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên, hợp tác cùng ExxonMobil, TotalEnergies, Mitsui và Marubeni. Đến năm 2006, Qatar vượt Indonesia để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
10 năm sau đó, Qatar tạm dừng các dự án mới ở North Field để hoàn thành những dự án hiện có. Trong giai đoạn này, mục tiêu của Qatar là trở thành nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nhất thế giới. Doha gần như không bao giờ trễ hẹn lô LNG nào cho khách hàng.
Vào năm 2017, Qatar thực hiện một ván cược lớn khác. Đó là tiếp tục phát triển North Field và công bố những kế hoạch mở rộng khổng lồ, ngay cả khi nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đang thảo luận về việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Động thái này đã kích hoạt một cuộc đua giữa các đại gia dầu mỏ toàn cầu nhằm trở thành đối tác của QatarEnergy trong quá trình mở rộng dự án.
Hiện tại, QatarEnergy đã xây dựng một danh mục đầu tư toàn cầu với các đối tác thăm dò lớn. Shell, Exxon, ConocoPhilips, Total và Eni đều đã ký kết thỏa thuận mới ở North Field với tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Qatar.
Công suất sản xuất LNG trong nước của QatarEnergy sẽ tăng từ 77 triệu tấn lên 126 triệu tấn vào năm 2027. Ngoài ra, cái bắt tay với Exxon tại Mỹ cũng giúp tập đoàn này cung cấp thêm 16 triệu tấn LNG mỗi năm kể từ năm 2025.