Hội đồng quản trị Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) vừa có nghị quyết chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2022 tỷ lệ 14% bằng tiền (tương đương 1.400 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu).
Ngày đăng ký cuối cùng vào 23/12, đồng nghĩa ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 22/12. Thời gian thanh toán dự kiến đến 28/2/2023.
Hiện công ty ngành sữa này có gần 2,09 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, theo đó số tiền phải chi ra cho cổ đông trong đợt này lên đến 2.926 tỷ đồng.
Theo cơ cấu cổ đông, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) đang là nhà đầu tư lớn nhất nắm giữ 752,5 triệu cổ phiếu (tương đương 36% vốn), theo đó sắp nhận về hơn 1.050 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn có 2 cổ đông lớn đến từ nước ngoài bao gồm F&N Dairy nắm giữ 369,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17,69%) và Platinum Victory Pte. Ptd có 221,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,62%). Hai nhà đầu tư ngoại này sẽ nhận về lần lượt 518 tỷ và 311 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2022, cổ đông Vinamilk đã thông qua mức chi trả cổ tức cho năm 2022 dự kiến bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5% (tương ứng với 3.850 đồng trên mỗi cổ phiếu mà cổ đông sở hữu).
Trong đó, công ty ngành sữa đã có thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 với tỷ lệ 15% tiền mặt hồi tháng 8 vừa qua. Như vậy, các cổ đông doanh nghiệp hiện nhận được mức tạm ứng cổ tức đến 29% (3.133 tỷ đồng) và có thể nhận thêm 9,5% còn lại nếu theo đúng kế hoạch.
Vinamilk thực tế là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao và duy trì đều đặn hàng năm nhờ tình hình kinh doanh khá ổn định, tỷ lệ chi trả cổ tức những năm gần đây thường xuyên duy trì từ 40-60%.
Theo báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm, công ty đầu ngành sữa ghi nhận doanh thu giảm nhẹ về mức gần 44.900 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 20% về còn 6.700 tỷ đồng do chi phí tăng cao. Công ty đã hoàn thành khoảng 70% các chỉ tiêu tài chính cả năm.
Chứng khoán Mirae Asset dự báo biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có thể cải thiện từ quý IV nhờ giá nguyên liệu bột sữa giảm. Rabobank tin rằng giá nguyên liệu bột sữa thế giới đã đạt đỉnh vào quý I và dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm nhờ nguồn cung sữa thế giới phục hồi và nhu cầu bột sữa từ Trung Quốc suy giảm do các chính sách phong tỏa Covid-19.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng quản trị Vinamilk vừa thông qua việc giải thể Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev, do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh.
Đây là công ty liên doanh được thành lập tháng 3/2021 chuyên về các sản phẩm đồ uống không gas với kỳ vọng đạt 150 triệu chai/năm sau 5 năm vận hành. Theo cơ cấu ban đầu, Vinamilk nắm giữ 51% cổ phần và Kido sở hữu tỷ lệ còn lại trong liên doanh.