Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Theo đó, cơ quan này cho biết đến nay cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp, với quy mô gần 156.000 căn, tổng diện tích gần 7,8 triệu m2.
Toàn quốc đang triển khai 401 dự án, quy mô 454.360 căn. Về giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến tháng 7, đã có 41 địa phương báo cáo đang triển khai 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn 34.500 tỷ đồng.
Riêng trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng.
"Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở, tuy nhiên kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra", bộ này đánh giá.
Đến năm 2025, cơ quan này lập mục tiêu hoàn thành 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ và 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng một triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.
Về quỹ đất xây nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng cho biết mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Cụ thể, đến năm 2020 đã có có 1.040 dự án dành quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích đất ở đã bố trí là 3.359 ha.
Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163/ 9.000 tỷ đồng để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Tuy nhiên đến nay, trên cả nước mới giải ngân được 1.399 tỷ đồng cho 4.489 khách hàng.
Theo cơ quan quản lý, hiện nay trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư...
Đặc biệt, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu rất lớn của các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra kinh nghiệm một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công, giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư, người dân thuê, mua nhà xã hội...
Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, lập, công bố danh mục chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại...