Vừa qua, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty P. và Tổng công ty B.
Tranh cãi về cách tính bồi thường
Theo hồ sơ, năm 2012, Công ty P. ký hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ và rủi ro sét đánh với diện tích 202ha rừng keo lai 5 tuổi. Giá trị hợp đồng là 12 tỷ đồng. Công ty P. đã đóng phí bảo hiểm 118 triệu đồng.
Vào ngày 19/3/2015, rừng keo lai của Công ty P. bị cháy, gây thiệt hại nặng nề. Liên ngành chức năng gồm: Công an, Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm đã khám nghiệm hiện trường vụ cháy. Theo đó, cơ quan chức năng xác định diện tích rừng bị thiệt hại là 129,1ha (chiếm tỷ lệ 60-70%).
Theo hợp đồng, trong vòng 15 ngày kể từ khi xảy ra sự việc, công ty bảo hiểm phải lên phương án bồi thường. Nhưng sau 53 ngày, bảo hiểm và giám định mới đến đo đạc và giám định hiện trường. Kết quả đo, diện tích cháy là 71,69ha, có sự sai khác lớn với cách tính của cơ quan chức năng.
Ngày 1/2/2016, Hạt kiểm lâm cũng có công văn khẳng định vụ cháy rừng “không có dấu hiệu tội phạm”. Đến ngày 17/10/2016, công ty bảo hiểm gửi thông báo bồi thường gần 1,4 tỷ đồng. Công ty P. không đồng ý vì con số trên không phản ánh đúng thiệt hại.
Sau khi các bên ngồi lại làm việc, năm 2017, công ty bảo hiểm đề nghị tăng giá đền bù lên 3,1 tỷ đồng. Công ty không chấp nhận, khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường 7,9 tỷ đồng.
Theo công ty giám định, không thể áp dụng giá thị trường để tính thiệt hại, mà cần căn cứ giá rừng và khung giá rừng theo Quyết định số 19/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Theo Công ty P. thì cây keo lai có giá thị trường tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm từ 1,2 -1,3 triệu đồng/tấn; với trữ lượng từ 100-120 tấn tương đương hơn 100 triệu đồng/ha trở lên.
“Đối với rừng keo lai là tài sản tăng giá trị theo thời gian, không phải là tài sản khấu hao theo thời gian nên khi mua công ty bảo hiểm công ty định giá cao; đến khi đền bù thì định giá thấp là không hợp lý.
Mặt khác, công ty thẩm định áp giá theo Quyết định số 19/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk là chưa thỏa đáng vì đây là giá nhà nước áp dụng khi tính đền bù cho chủ rừng khi bị thu lại đất được giao, không phải là giá thị trường”, Công ty P. cho biết.
Pháp luật quy định ra sao?
Hợp đồng bảo hiểm giữa các bên không thỏa thuận về cách thức tính tiền bồi thường nên dẫn đến tranh cãi.
Theo tòa án, cần tính bồi thường theo quy định tại Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010. Cụ thể, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm...”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì “kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì “Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.
Tòa án cho rằng, cách tính của công ty giám định không phù hợp với Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm và điểm a, khoản 2, Điều 90 Luật Lâm nghiệp (phù hợp với giá trị lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường rừng đang giao dịch trên thị trường tại thời điểm định giá).
Do các bên không thống nhất về giá đối với cây keo lai, cơ quan chức năng không có giá chung cụ thể đối với cây keo lai nên tòa án áp dụng cách tính tiền theo tỷ lệ diện tích cháy/số tiền bảo hiểm đã ký kết.
Theo đó, lấy tỷ lệ % rừng bị thiệt hại và giá trị của hợp đồng để tính giá trị bồi thường. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 5 của hợp đồng bảo hiểm; Điều 41,42,43,46 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Công ty P. không yêu cầu tính lãi.
Ngoài ra, các bên có thỏa thuận về mức khấu trừ 30 triệu đồng/vụ tổn thất. Công ty P. đã bán thanh lý cây keo bị tổn thất và thu hồi 36 triệu đồng. Vì vậy, số tiền công ty bảo hiểm còn phải bồi thường thiệt hại là hơn 7,6 tỷ đồng.