Các nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tìm hiểu thêm về tính cách, sở thích và quan điểm của ứng viên. Ảnh: Pexels.
Năm ba đại học, Huyền Hường (24 tuổi) nộp đơn ứng tuyển vị trí thực tập sinh tại một công ty về truyền thông. Họ đưa các tiêu chí để đánh giá ứng viên, trong đó có các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Về mặt chuyên môn, nhà tuyển dụng yêu cầu trong công việc sự nhanh nhẹn, hoạt bát, và có hiểu biết cơ bản về lĩnh vực marketing. Tuy nhiên, sau khi trao đổi qua một số nội dung công việc, họ bắt đầu xem tài khoản cá nhân mà cô gắn trong hồ sơ. Hường ít khi đăng tải gì lên trang cá nhân, nếu có chỉ 1-2 bức ảnh chụp cùng bạn bè, nhưng số lượng rất ít.
Ngay sau đó, cô nhận được lời từ chối bởi trang cá nhân không nổi bật, khó truyền đạt thông tin. Họ đánh giá số lượng bạn bè của cô ít, lượt tương tác giữa các bài đăng đều thấp. Các bài viết liên quan đến nghề nghiệp gần như không có.
Nhiều người mới đi làm sẽ có cùng bài toán như Hường, khi ngày càng có nhiều nơi làm việc hỏi về tài khoản mạng xã hội của ứng viên. CareerBuilder từng có một cuộc khảo sát quốc tế với hơn 2300 nhà tuyển dụng và chuyên gia nhân sự. Kết quả cho thấy 70% nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội để sàng lọc ứng viên tiềm năng, và 54% đã quyết định không tuyển ứng viên nào đó dựa trên những gì họ thấy từ tài khoản mạng xã hội.
Không chỉ là tài khoản LinkedIn, kể cả Facebook, Twitter, Instagram, YouTube… cho đến blog cá nhân. Bất kỳ điều gì các ứng viên làm trên môi trường mạng đều có thể dẫn đến ấn tượng tiêu cực cho các nhà tuyển dụng tiềm năng.
Thật khó để không lo lắng rằng điều bạn viết trên trang cá nhân cũng quan trọng nhưng điều bạn viết trong hồ sơ xin việc, hay những người tương tác với bạn trên trang cá nhân cũng có ảnh hưởng với bạn không kém người giới thiệu bạn đính kèm hồ sơ. Chuẩn bị như thế nào khi nhà tuyển dụng muốn xem trang cá nhân - nơi bạn chia sẻ đầy meme?
Khi Facebook chỉ có chuyện cá nhân
Huyền Hường được nhiều người khuyên nên thể hiện sự “trưởng thành” trên Facebook, bằng việc chia sẻ các bài viết liên quan đến đời sống xã hội, những câu triết lý, sách vở… vì đó là những thứ sau này nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào để đánh giá.
Tuy nhiên, Hường vẫn không muốn đăng tải quá nhiều về cuộc sống, suy nghĩ cá nhân của bản thân lên mạng xã hội. Bởi với cô, trang cá nhân chỉ là một nơi để giải trí, chia sẻ, kết nối với bạn bè sau những giờ vật lộn với cuộc sống ngoài đời thực. Nó không phải diễn đàn nghề nghiệp, nơi khoe thành tích hay đánh bóng bản thân.
Tương tự, Hà Thu (26 tuổi) từng ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh tại Hà Nội. Thu tự tin, cảm thấy mình ngoại hình ổn, nói chuyện lưu loát kết hợp và nhiều kinh nghiệm. Cô nghĩ sẽ làm hài lòng nhà tuyển dụng trong buổi phòng vấn lần này.
Tuy nhiên, sau khi trao đổi về công việc, phía tuyển dụng đưa ra câu yêu cầu cung cấp tài khoản mạng xã hội. Sau khi xem qua một lượt, họ nói cô đang mắc một điểm trừ lớn khi sử dụng trang cá nhân.
Trang cá nhân của Thu khi đó là nơi cô thoải mái đăng tải chuyện đi ăn uống cùng bạn bè, hình ảnh cá nhân. Họ cho rằng không “chấm” được những tài khoản cá nhân chỉ đăng những câu than thở, sống ảo, không có chút gì quan tâm đến nghề nghiệp.
Nhiều ứng viên mất điểm vì trang cá nhân không nổi bật. Ảnh: Pexels.
Ngoài ra, những thông tin cá nhân, kỹ năng và kinh nghiệm không được cô thể hiện rõ ràng, cụ thể. Nếu làm trong lĩnh vực kinh doanh, trang cá nhân của cô khó tạo được độ tin cậy cho khách hàng.
Thu đồng ý với nhà tuyển dụng rằng tài khoản của cô ít liên quan đến công việc. Từ trước đến nay, cô chỉ sử dụng với mục đích là nhắn tin, giao lưu kết bạn, chia sẻ cuộc sống thường nhật. Mặt khác, Thu nói trong quá trình làm việc trước đây, cô cũng ít khi sử dụng các tài khoản mạng xã hội này.
Trang cá nhân không phải tất cả
Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Huy Trường, Trưởng nhóm tuyển dụng của một tập đoàn tại Hà Nội, cho biết việc sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay được trở nên phổ biến cùng với nhiều mục đích khác nhau.
Xét ở góc độ cá nhân, anh cho rằng tuỳ theo tính cách, sở thích, phong cách, mà mỗi người có thể đăng tải lên trang cá nhân những nội dung phù hợp. Theo đó, nhiều người coi mạng xã hội là cuốn nhật ký, kênh chia sẻ thông tin đời sống, kiến thức, thậm chí là diễn đàn nghề nghiệp, nơi thể hiện bản thân.
"Trên thực tế, khi tuyển dụng một số vị trí quản lý cấp cao, rất ít người chia sẻ đời tư cá nhân hay công việc lên trang cá nhân. Bởi họ thừa nhận không có nhiều thời gian cho mạng xã hội, nếu có, chủ yếu là để cập nhật tin tức", anh Trường cho biết thêm.
Anh Nguyễn Huy Trường cho rằng nhà tuyển dụng không nên vội vàng đánh giá ứng viên thông qua một bức ảnh hay một dòng trạng thái. Ảnh: NVCC.
Anh Trường cho rằng nhà tuyển dụng không nên vội đánh giá ứng viên thông qua một bức ảnh hay một dòng trạng thái. Mỗi cá thể là độc nhất và được tạo nên từ nhiều mặt, bao gồm năng lực, kinh nghiệm, thực tế làm việc, thái độ, tính cách, thậm chí là đời sống nội tâm của họ.
"Mạng xã hội là nguồn thông tin tham khảo, nhận định ban đầu về ứng viên. Nó không mang tính quyết định đến việc đánh giá năng lực của họ", anh nói.
Tuy nhiên, anh Trường cũng nhận định về mặt tích cực, mạng xã hội giúp nhà tuyển dụng phần nào phán đoán về tính cách, tư duy, chuyên môn và biết nhiều khía cạnh khác trong đời sống của ứng viên. Nếu biết sử dụng đúng cách, mạng xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích cho họ.
"Khi xem trang cá nhân ứng viên, ảnh đại diện và hình nền là thứ đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhìn vào. Nếu ứng viên đầu tư vào vị trí này bằng cách lựa chọn những bức ảnh đẹp, chuyên nghiệp thì sẽ tạo được ấn tượng tốt ban đầu", anh Trường chia sẻ.
Hà Thu nói thêm khi đi ứng tuyển, ngoài chuẩn bị một tâm thế tự tin cho cuộc phỏng vấn, giờ đây cô còn phải chú ý đến hình ảnh cá nhân, "dọn dẹp" lại tài khoản mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, Instagram hay Zalo.
Cô cũng thử post thêm một số câu triết lý về kinh doanh.