Sự trầm lắng của thị trường kéo dài kể từ thời điểm giữa năm 2022 đến nay đã khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Thanh khoản chật vật, thậm chí “đóng băng”, lãi suất ngân hàng gia tăng khiến một số chủ bất động sản chấp nhận rời cuộc chơi.
Mới đây, một nhà đầu tư N.N đã thông báo tặng lại căn biệt thự trị giá gần 10 tỷ tại Bình Thuận. Theo chia sẻ, anh N.N mới mua căn biệt thự này và đã thanh toán 15% giá trị căn biệt thự, tương đương với 1,3 tỷ đồng.
Ban đầu, anh N mua với mục đích lướt sóng kiếm lời, tận dụng chính sách miễn lãi suất 0% của chủ đầu tư để chờ giá tăng rồi bán. Tuy nhiên, gặp đúng lúc thị trường bất động sản đóng băng cùng với đó, chủ đầu tư bất ngờ gặp khó khăn nên dừng chính sách ưu đãi 0% buộc các khách mua phải trả lãi suất và sẽ được cấn trừ sau này.
Tuy nhiên, anh N tính toán, hợp đồng của anh cũng sắp đến thời gian ký với ngân hàng để tiếp tục vay vốn 70% giá trị căn biệt thự. Nếu vay ngân hàng, anh N. phải thanh toán khoản nợ gốc và lãi hàng tháng cho khoản tiền hơn 6 tỷ đồng vay ngân hàng, tương đương với con số 60 triệu đồng/tháng. “Nếu tiếp tục vay ngân hàng, tôi không thể gánh được nợ lãi", anh N nói.
Anh N đã nhiều lần lên làm việc với chủ đầu tư để xin thanh lý hợp đồng nhưng đều không được chấp nhận. Nếu không tiếp tục ký vay ngân hàng và vào tiền, anh N có khả năng bị hủy hợp đồng.
"Dù tôi rao bán cắt lỗ trước đó, nhưng cũng không có người mua. Mà sắp đến kỳ hạn thanh toán tiếp cho chủ đầu tư. Tôi cũng đã tìm hiểu và tính đến phương án đàm phán, huỷ hợp đồng và rút lại một phần tiền nhưng nhân viên kinh doanh dự án cho biết: "Nếu huỷ hợp đồng, sẽ mất trắng". Thế nên tôi muốn tặng cho nhà đầu tư nào có thiện chí, đủ tài chính đóng tiếp số tiền còn lại vì nếu bỏ thì tiếc. Chi phí sang nhượng phía người nhận tự chịu. Hy vọng, họ có thể gia lộc cho tôi một ít để bù lỗ”, anh N. chia sẻ.
Trước đó, trên diễn đàn mua bán bất động sản, chị N.O cũng rao tặng lại căn biệt thự hộ người bạn. Theo đó, căn biệt thự này có giá 8,7 tỷ đồng. Chủ sở hữu đã nộp 2.6 tỷ đồng và sẵn sàng tặng lại cho bất kỳ ai, phí chuyển nhượng bên khách hàng tự chịu.
Ông N.T.A, một nhà đầu tư có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản tiết lộ, một số chủ biệt thự đã cọc, thậm chí vào tiền 30%, không còn khả năng thanh toán tiếp, họ buộc phải bán lại bất động sản với mức giá 0 đồng. Đây trường hợp "bất đắc dĩ" và cũng hy hữu khi nhà đầu tư không thể tiếp tục thanh toán số tiền theo tiến độ dự án.
Ông N.T.A dự báo, thực trạng này có thể sẽ xảy ra tại một dự án ở Hà Nội khi mức lãi suất vay ngân hàng tăng cao, nhà đầu tư mất khả năng “gồng” nợ lãi, nhất là khi tình trạng cắt lỗ bất thành đang diễn ra khá phổ biến.
Theo phân tích của một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội: “Khi sốt nóng, nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng chính sách ân hạn của chủ đầu tư để mua biệt thự. Họ kỳ vọng sau 12-18 tháng, chính sách ân hạn nợ gốc kết thúc, giá biệt thự sẽ tăng. Khi đó, họ đẩy hàng, thu lời. Nhưng kỳ vọng đó không xảy ra ở thời điểm hiện tại với bức tranh thị trường trầm lắng. Ngay cả rao bán cắt lỗ biệt thự đến 2-3 tỷ đồng cũng rất khó. Mà để tiếp tục thanh toán theo đợt cho căn biệt thự, một số nhà đầu tư không thể “gồng”.
Tôi biết, có nhà đầu tư mua biệt thự 12 tỷ, vốn tự có 4 tỷ, vay ngân hàng 8 tỷ. Thời điểm hết chính sách ân hạn nợ gốc, lãi suất thả nổi lên tới 12-13%, họ phải trả tiền trăm triệu đồng lãi. Nhưng kinh doanh khó khăn, không có nguồn thu. Nếu không thanh toán, họ sẽ nằm trong diện nợ xấu. Đây là lý do họ đành tặng lại cho người khác để đỡ phí. Hoặc cũng có thể, đây là động thái của một số khách hàng muốn tác động, tạo áp lực cho chủ đầu tư dự án".