Năm 2022 vụt sáng của hàng không nội địa
Mùa hè năm 2022, sau hơn 2 năm Covid-19, khách nội địa được thỏa “cơn khát” du lịch khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch trở lại vào ngày 15/3/2022. Sự trở lại của ngành du lịch cũng đánh dấu mốc phục hồi của hàng không nội địa từ tháng 4/2022, thậm chí vượt mức trước đại dịch kể từ tháng 5/2022 nhờ nhu cầu của người dân phục hồi mạnh mẽ.
Các hãng hàng không tích cực khai thác và tăng tần suất bay nội địa đến các điểm du lịch, đặc biệt là Phú Quốc. Tần suất bay đi/đến Phú Quốc đạt 100 chuyến bay nội địa/ngày, trong khi trước đợt dịch năm 2019, tính cả quốc tế và nội địa chỉ có 72 chuyến đi/đến Phú Quốc mỗi ngày.
Đây chính là động lực giúp hàng không trong nước đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số chuyến bay tăng 123,4% so với cùng kỳ lên 235.464 chuyến (chủ yếu là các chuyến nội địa). Lượng hành khách nội địa cũng tăng 164,6% so với cùng kỳ - bằng 122,9% mức trước đại dịch.
Vietnam Airlines (HVN) đứng đầu về tổng số chuyến bay với 106.706 chuyến (119,3% so với cùng kỳ). Trong khi đó, Vietjet Air (VJC) có sự phục hồi mạnh mẽ nhất về số lượng chuyến bay, đạt 86.898 chuyến (147,8% so với cùng kỳ). Bamboo Airways cũng có 38.189 chuyến bay.
Tiếp nối đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm và tiềm năng tăng trưởng tự nhiên của hàng không nội địa, VNDirect kỳ vọng tổng lượng khách nội địa năm 2022 sẽ tăng 231,2% so với cùng kỳ và tăng 30,9% so với năm 2019.
Hàng không quốc tế cũng đạt nhiều kết quả tích cực sau khi được mở cửa trở lại hoàn toàn. Lượng hành khách quốc tế trong quý III/2022 tăng 35 lần so với cùng kỳ, bằng 49,8% mức trước đại dịch, đưa lượng hành khách quốc tế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 14,5 lần so với cùng kỳ và bằng 22,3% mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, Việt Nam không đạt được mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, ước tính chỉ đạt khoảng hơn 70% so với kế hoạch. Về nguyên nhân chủ quan, giới chuyên gia đánh giá chính sách thị thực của Việt Nam còn nhiều rào cản, ít sản phẩm du lịch nổi bật, mức độ sẵn sàng đón khách quốc tế chưa tốt sau hơn 2 năm đại dịch.
Về mặt khách quan, các yếu tố về địa chính trị, suy thoái kinh tế khiến dòng khách từ châu Âu bị hạn chế. Những thị trường truyền thống của Việt Nam tại Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn, đặc biệt là việc Trung Quốc theo đuổi chính sách zero-covid, trong khi đây là thị trường chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, thời gian từ lúc mở cửa cho đến cuối năm chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).
Sự trở lại của khách Trung Quốc
VNDirect dự báo hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Trong kịch bản cơ sở, lưu lượng khách giữa Việt Nam và Hàn Quốc – quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2022 – sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý II/2023.
Đối với các thị trường khác như Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, thời điểm lưu lượng khách phục hồi về mức trước dịch nhìn chung có thể rơi vào quý 1 hoặc quý 2 năm 2023. Riêng với Nga, do tình hình địa chính trị căng thẳng, VNDirect kỳ vọng lượng khách từ nước này sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý III/2023.
Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Một diễn biến quan trọng với ngành hàng không là vào ngày 8/1/2023, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới trở lại sau 3 năm duy trì chiến lược zero-covid nhằm kiểm soát đại dịch.
VNDirect nhận định hàng không sẽ là ngành đầu tiên được hưởng lợi nhờ sự mở cửa của Trung Quốc bởi trước dịch, khách từ Trung Quốc chiếm 34,5% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam, cao nhất trong tất cả các nước. Theo VNDirect, lượng khách quốc tế từ Trung Quốc sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý I/2024.
Ngay sau khi Trung Quốc vừa mở cửa, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trong ngày 8/1 họ đã đón hơn 116.000 lượt khách trên gần 780 chuyến bay. Riêng khách quốc tế đạt 38.000 lượt, cao nhất kể từ sau dịch Covid-19.
Theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, HVN sẽ tiếp tục khai thác các đường bay hiện tại từ Hà Nội và TP. HCM đến Trung Quốc với tổng 6 chuyến bay/tuần, sau đó tăng dần tần suất khai thác đến một số thành phố kể từ tháng 3.
VJC cũng sẽ khai thác tổng cộng 6 chuyến bay/tuần, đồng thời có kế hoạch khai thác thêm các đường bay từ Cam Ranh đến Tràng Sa, Thành Đô và Hạ Phì từ ngày 23/1. Bamboo Airways mới khai thác đường bay Hà Nội – Thiên Tân với tần suất 1 chuyến/tuần và chưa có kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.
Khó khăn tiềm tàng
Đứng trước cơ hội lớn, nhưng ngành hàng không vẫn sẽ không tránh khỏi những khó khăn và rủi ro tiềm tàng, trước hết là vấn đề giá nhiên liệu.
Do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, VNDirect cho biết giá xăng máy bay năm 2022-2023 duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015. Vì vậy, chi phí vận hành của các hãng hàng không dự kiến cao hơn, có thể làm tăng giá vé và giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, các hãng hàng không giá rẻ có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng truyền thống, do khác biệt về loại máy bay sử dụng dẫn đến sự khác nhau về mức tiêu thụ nhiên liệu.
Thách thức thứ hai mà ngành hàng không phải đối diện là lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên, có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và kế hoạch mở rộng đội bay. Tuy nhiên, khó khăn này phần nào được giảm bớt khi các hãng hàng không có nguồn thu từ USD khi bán vé quốc tế.
Mặc dù Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang trong quá trình xây dựng, các sân bay trọng điểm khác cũng dự kiến được mở rộng, VNDirect nhận định cơ sở hạ tầng không thể theo kịp với nhu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn và cơ sở hạ tầng hàng không Việt Nam có thể gặp tình trạng quá tải trong giai đoạn 2023-2024, khi lượng khách quốc tế dự kiến phục hồi mạnh mẽ.
“Chúng tôi ước tính các sân bay hàng không Việt Nam có thể hoạt động ở mức 132%/142% tổng công suất thiết kế trong giai đoạn 2023-2024, trước khi giảm tải từ năm 2025 khi nhiều dự án cơ sở hạ tầng hàng không quan trọng ra mắt như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và dự án mở rộng nhà ga T2 ở Nội Bài”, trích báo cáo của VNDirect.