Theo tờ SCMP, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay và cùng với những yếu tố như lạm phát, Mỹ nâng lãi suất... điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 xuống còn 3,2%, thấp hơn mức dự báo 3,3% trước đó. Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 của Trung Quốc xuống chỉ còn 4,4% so với 4,6% trước đó, con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 8,1% vào năm 2021.
Trong khi đó, mức dự báo tăng trưởng của Mỹ và Ấn Độ đều không đổi, tương ứng ở 1% và 6,1% trong năm nay.
Báo cáo của IMF cho thấy mức tăng trưởng 3,2% dự báo trong năm nay là con số thấp nhất trong 40 năm qua của nước này, ngoại trừ thời điểm đại dịch bùng phát vào năm 2020.
Theo IMF, tình hình đại dịch phức tạp cùng hàng loạt những yếu tố như lạm phát, rủi ro bong bóng bất động sản, đồng USD tăng giá, đứt gãy chuỗi cung ứng... đã khiến tình hình kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng, qua đó tác động đến toàn cầu.
Xin được nhắc là Trung Quốc chiếm 1/5 kinh tế thế giới về tổng GDP và đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự đoán của IMF cho thấy 43% nền kinh tế thế giới sẽ có ít nhất 2 quý tăng trưởng âm trong năm 2023. Tổ chức này cũng hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống chỉ còn 4,4% trong năm tới.
“Nói ngắn gọn thì điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Đối với rất nhiều người thì kinh tế năm 2023 sẽ chẳng khác gì một cuộc khủng hoảng”, báo cáo của IMF ghi rõ.
Theo IMF, bong bóng bất động sản ở Trung Quốc sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính mà còn tác động xấu đến sức mua của người tiêu dùng cũng như ngân sách của nhà nước.
“Đây sẽ là một vụ nổ lớn khi mảng bất động sản chiếm đến 1/5 GDP của Trung Quốc”, báo cáo của IMF dự đoán.
Trong khi đó, tình hình đại dịch phức tạp tiếp tục làm giảm sức cầu của nền kinh tế cũng như tạo áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng. Cụ thể, chỉ số đo lường năng lực sản xuất (MCU) của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 76 điểm trong quý II/2022, mức thấp nhất kể từ năm 2017 ngoại trừ thời điểm dịch bùng phát vào năm 2020.
Trong khi đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này cũng giảm xuống còn 47,4 điểm trong tháng 4/2022 sau khi Thượng Hải bị giãn cách.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 0,4% trong quý II/2022 và nền kinh tế này sẽ công bố báo cáo quý III vào tuần tới. Theo các cuộc khảo sát, nhiều dự đoán cho rằng tăng trưởng quý III của Trung Quốc sẽ vào khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.