Reuters đưa tin, bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể kể từ tháng 4. Do đó, bà không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm tới.
Tổng giám đốc IMF cho biết quỹ sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ 3 trong năm nay. Mức hiện tại là 3,6%.
"Kể từ lần cập nhật cuối cùng của chúng tôi vào tháng 4, triển vọng kinh tế đã xấu đi đáng kể", bà nói với Reuters. Theo bà, nguyên nhân là lạm phát lan rộng, lãi suất được nâng đáng kể, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và các lệnh trừng phạt liên quan tới xung đột Nga - Ukraine leo thang.
"Chúng ta đang ở vùng biển động. Do rủi ro đã tăng lên, chúng tôi không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái", bà nhận xét.
Rủi ro suy thoái
Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy một số nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc và Nga, đã lao dốc trong quý II. Bà Georgieva nhấn mạnh rủi ro có thể tăng cao hơn vào năm sau.
"Năm 2022 rất khó khăn, nhưng tình hình của năm 2023 có thể còn tệ hơn. Rủi ro suy thoái đã tăng lên vào năm sau", bà cảnh báo.
Mới đây, Nomura Holdings Inc. cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Nguyên nhân là việc giới chức siết chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc.
Năm 2022 rất khó khăn, nhưng tình hình của năm 2023 có thể còn tệ hơn. Rủi ro suy thoái tăng lên vào năm sau
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva
"Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang đi vào giai đoạn giảm tốc tăng trưởng đồng bộ. Điều này có nghĩa là các quốc gia không còn có thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng", nhóm chuyên gia của Nomura nhận định.
Theo Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế thế giới phát hành vào tháng 6, OECD nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Các cú sốc kinh tế và tác động của chúng đối với thị trường hàng hóa, thương mại và tài chính toàn cầu ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân.
Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo chậm lại và chỉ đạt 3% trong năm 2022, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2021.
Còn theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn 2 năm đại dịch, với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1.
Cái giá cần trả
Mới đây, Citigroup cũng cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lên tới gần 50% Các thị trường tài chính toàn cầu đã lao dốc mạnh do lo ngại suy thoái. Những chỉ số chứng khoán chính của Mỹ vừa ghi nhận quý tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đầu tuần, giá dầu thô thế giới rơi thẳng đứng.
Giữa tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ năm 1994, và sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới.
Theo dự báo mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 38%. Chỉ vài tháng trước đó, nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ là 0%.
Nền kinh tế giảm tốc có thể là cái giá cần phải trả, do tính cấp bách và bức thiết của việc bình ổn giá cả
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva
"Khả năng xảy ra một cuộc suy thoái đã tăng lên. Suy thoái có thể xảy ra vào ngay đầu năm sau", bà Anna Wong - nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics - bình luận.
Tháng trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ không muốn đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Tuy nhiên, ông khẳng định FED sẵn sàng kiểm soát lạm phát dù cái giá phải trả là một cuộc suy thoái.
Tổng giám đốc IMF Georgieva cũng cho rằng việc thắt chặt các điều kiện tài chính trong thời gian dài sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi. Nhưng đó là điều cần thiết để hạ nhiệt giá cả.
"Nền kinh tế giảm tốc có thể là cái giá cần phải trả, do tính cấp bách và bức thiết của việc bình ổn giá cả", bà nhấn mạnh.
Bà cũng nhấn mạnh rủi ro ngày càng tăng từ việc chính sách tài khóa và tiền tệ không đồng nhất, thúc giục các nước hành động thận trọng để tránh nỗ lực tài khóa làm suy yếu việc kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương.