Ngoài việc phải mua iPhone trễ hơn những thị trường khác, lượng hàng Apple cung ứng cho Việt Nam thường khá hạn chế, không đủ đáp ứng. Điều này gây ra tình trạng khan hàng kéo dài mỗi đợt mở bán iPhone mới.
Trong hai năm trở lại đây, Apple đã có một số thay đổi với nhà bán lẻ Việt Nam như được áp dụng giá chiết khấu, bán sản phẩm sớm hơn. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu hàng vẫn thường trực ở nhiều nhà bán lẻ vào mùa ra mắt iPhone.
Mở bán sớm nhưng trả hàng muộn
Vấn đề xuất hiện từ 2020, khi Apple mở rộng hệ thống phân phối thông qua các cửa hàng ủy quyền (AAR). Đồng thời, Táo khuyết lần đầu áp dụng chiết khấu cho đại lý trong nước. Nhờ đó, nhà bán lẻ có thể áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng thêm quà cho người mua iPhone.
Nhờ bán sớm hơn và có giá rẻ, iPhone chính hãng dễ dàng lấn át hàng xách tay trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, lượng máy Apple cung cấp không đáp ứng đủ đặt hàng tại một số đại lý. Việc khan hàng nghiêm trọng hơn ở model iPhone 12 Pro Max màu xanh mới và các phiên bản 128 GB của iPhone 12 series, vốn được nhiều người chọn.
Với những trường hợp đặt trễ, khách hàng có thể phải đợi thêm 1-2 tháng để nhận được máy đúng theo dung lượng, màu sắc yêu cầu. Điều này tạo điều kiện cho iPhone xách tay trở lại thị trường. Tuy giá đắt hơn máy chính hãng, nhiều người dùng buộc phải chọn loại sản phẩm này vì các đại lý AAR không còn hàng.
Vấn đề tương tự tiếp diễn ở thế hệ iPhone 13 trong năm 2021. Tuy nhiên, khác với đời trước có thêm nguồn hàng xách tay bổ trợ, đợt mở bán iPhone 13 series gần như chỉ có máy chính hãng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không thể xách tay từ Nhật Bản, Hong Kong hay Singapore.
Do đó, tình trạng thiếu hàng iPhone 13 nghiêm trọng và kéo dài hơn. Khách hàng từng phải đợi hơn 2 tháng để được nhận đúng mẫu iPhone 13 đã đặt trước. Đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nguồn cung điện thoại Apple mới ổn định trở lại.
Trong giai đoạn này, nhiều đại lý áp dụng chính sách hà khắc hơn cho dịch vụ bán hàng. Cụ thể, người mua buộc phải bóc tem, kích hoạt máy tại chỗ để tránh tình trạng mua đi bán lại. Việc bảo hành thiết bị mới của Apple cũng buộc phải kèm hóa đơn. Điều này được cho là để hạn chế kinh doanh trên thị trường chợ đen, lợi dụng khan hàng để thao túng giá.
Gần đây, nhiều tín hiệu cho thấy Apple đang nâng hạng thị trường Việt Nam. Đồng thời, đại diện một nhà bán lẻ trong nước tiết lộ iPhone 14 series sẽ được bán sớm hơn các năm trước. Điều này tạo ra lo ngại việc thiếu hàng sẽ tiếp diễn khi lượng iPhone bán ra tại Việt Nam tăng trưởng hai con số.
Apple phân phối nguồn hàng ra sao?
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Ngành hàng Viễn thông, Di động của FPT Shop cho biết nhu cầu của thị trường cho sản phẩm iPhone lúc mới ra mắt là rất lớn, bị dồn vào một thời điểm trên toàn cầu. Do đó, năng lực sản xuất của Apple không thể đáp ứng đầy đủ.
Mặt khác, những năm trước, Apple đặt Việt Nam thuộc nhóm thị trường có mức độ ưu tiên thấp. Do đó, lượng hàng hóa cung ứng không được dồi dào như các thị trường khác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS cho biết Apple không công bố quy tắc phân chia nguồn hàng. “Tuy nhiên, theo quan sát nhiều năm qua, các đại lý APR (Apple Premium Store) hoặc mono store sẽ có mức độ ưu tiên cao hơn các cửa hàng AAR”, ông Huy nói.
Trong khi đó, các hệ thống nhỏ lẻ sẽ được phía nhà phân phối chia phần máy còn lại. Đây là lượng sản phẩm nằm ngoài lô thiết bị Apple chỉ định phân bổ cho các APR/AAR, mono store.
Mặt khác, dựa vào khả năng kinh doanh của từng hệ thống mà Táo khuyết có kế hoạch cung ứng riêng. Trong đó, lượng máy kích hoạt là một chỉ số quan trọng để Apple Việt Nam đánh giá năng lực của từng hệ thống. Trước mỗi đợt hàng mới, công ty sẽ đánh giá đối tác, dựa vào chỉ số này để phân bổ thiết bị.
“Chúng tôi là đối tác lớn của Apple tại Việt Nam nên được ưu tiên về hàng hóa để khách hàng được trải nghiệm sớm”, ông Kha chia sẻ.