Theo Kitco, JPMorgan Chase vừa có khuyến nghị với nhà đầu tư phân bổ tài sản trong danh mục năm 2023 theo hướng nghiêng về các tài sản có độ trú ẩn cao như tiền mặt và vàng, tránh xa các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu.
Cơ sở của khuyến nghị này đến từ rủi ro về trần nợ công tại Mỹ, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu và lập trường “diều hầu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Bloomberg, một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia tài chính do Marko Kolanovic - Giám đốc mảng chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan Chase - đứng đầu đã đưa quan điểm nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu để rót vốn vào vàng và tiền mặt vì các tài sản này sẽ ổn định trong thời gian tới.
Nhóm nghiên cứu đã trích dẫn cho nhà đầu tư thấy vàng là tài sản trú ẩn an toàn như một hàng rào chống lại kịch bản vỡ nợ của Mỹ. Kolanovic cũng cho biết thêm về lâu dài, Fed vẫn sẽ giữ lãi suất cao, trái với kỳ vọng cắt giảm của thị trường. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên thị trường chứng khoán.
“Nhà đầu tư ở thị trường khác nhau sẽ có kỳ vọng khác nhau về việc cắt giảm lãi suất. Nhưng những luận điệu diều hâu hơn của Fed chỉ làm tăng rủi ro cho chứng khoán. Và nếu lãi suất tiếp tục cao hơn nữa, chúng sẽ ảnh hưởng đến bội số vốn chủ sở hữu và hoạt động kinh tế", Kolanovic nói thêm.
Vào năm ngoái, Kolanovic và nhóm chuyên gia này ủng hộ nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu nhưng quan sát tình hình, họ đã chuyển hướng sang cắt giảm, phân bổ lại vốn bắt đầu từ đầu năm nay.
Báo cáo thị trường cho thấy các nhà đầu tư đã hy vọng Fed sớm giảm nhanh lãi suất, nhưng hiện nay, họ đang buộc phải thay đổi kỳ vọng sau hàng loạt số liệu công bố gần đây cho thấy nền kinh tế vẫn vững vàng và lạm phát còn cao dai dẳng.
Giờ đây, các nhà đầu tư cho rằng sẽ chỉ có tối đa hai lần giảm lãi suất và lãi suất tham chiếu của Fed sẽ ở ngưỡng 4,7% vào cuối năm nay.
Theo Financial Times, sự dịch chuyển kỳ vọng trên thị trường đã đưa nhà đầu đến gần hơn với thông điệp nhất quán từ Fed rằng họ không có kế hoạch sớm giảm lãi suất giữa lúc lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu. Tuy nhiên, dịch chuyển đó cũng cho thấy tình trạng không chắc chắn thị trường sẽ đi về đâu.
Và cũng chỉ còn vài ngày nữa là hạn chót quốc hội Mỹ phải nâng trần nợ công nếu không muốn vỡ nợ kỹ thuật.
Đến nay, chưa có tín hiệu nào cho thấy trần nợ công của Mỹ sẽ sớm được nâng. Nếu không có tiền chi trả cho các trái chủ và chi phí dịch vụ công vào ngày 1/6 tới thì nguy cơ vỡ nợ và chính phủ Mỹ tạm đóng cửa là rất cao.
Theo dữ liệu liên bang, tính đến ngày 19/5, Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn khoảng hơn 60 tỷ USD tiền mặt, từ mức 238 tỷ USD hồi đầu tháng, sau khi thu thuế của tháng 4.