Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô vừa cập nhật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, trong kịch bản cơ sở lạm phát bình quân tăng 3,8% và không có thêm cú sốc về giá dầu, tuy vẫn chịu áp lực lạm tỷ giá và giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, có khả năng Ngân hàng Nhà Nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 0,5-1% theo xu hướng chung của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu, đặc biệt là Mỹ.
Mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường 1 chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, sẽ buộc các Ngân hàng Thương mại nâng lãi suất huy động và nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.
Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Về diễn biến tỷ giá, diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá, KBSV điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên khoảng 5,5-6% trong năm 2022, khi nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021, khi hoạt động xuất khẩu bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn vào cuối năm và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.
Riêng quý 4/2022 sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước khi: DXY nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt của FED trong bối cảnh lạm phát toàn cầu duy trì ở mức quá cao so với mục tiêu của các NHTW. CPI ở Mỹ tháng 9 ở mức 8,2% so với mức mục tiêu 2%; Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để SBV có thể tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD từ dự trữ ngoại hối sẽ hẹp dần.
Xuất khẩu đối diện nhiều tiêu cực trong khi FDI đăng kí mới chưa phục hồi hoàn toàn, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền FDI thực hiện trong tương lai.
Trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và kết hợp phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá,điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài. Lạm phát neo cao khiến các Ngân hàng Trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed.
Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 9 quỹ dự trữ ngoại hối chỉ còn 86 tỷ USD tương đương 11 tuần nhập khẩu, nên dư địa để SBV can thiệp bằng việc bán USD thông qua dự trữ ngoại hối sẽ hẹp dần, theo IMF quỹ dự trữ ngoại hối tối thiểu cần duy trì 8 – 12 tuần nhập khẩu.