Bộ Tài chính vừa có công văn số 6647/BTC-TCDN trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về kết quả, tiến độ thoái vốn thực hiện của Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) so với kế hoạch; tỷ lệ phần trăm về số lượng và giá trị, theo từng năm, theo cả giai đoạn.
Trong công văn nói trên, ông Phan Đức Hiếu cũng đề nghị nêu rõ trách nhiệm của SCIC trong việc chậm thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính đưa ra giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2021- 2025, giải quyết dứt điểm tình hình tồn đọng thời gian qua.
Bốn lý do bán vốn chỉ đạt hơn 56% kế hoạch
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Bộ Tài chính cho biết trong giai đoạn 2016-2020, SCIC phải triển khai bán vốn tại 251 doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy, SCIC nỗ lực tổ chức triển khai bán vốn tại 220 doanh nghiệp, bán vốn thành công tại 142 doanh nghiệp (đạt 56,5% kế hoạch) và tổ chức bán vốn không thành công tại 78 doanh nghiệp.
Đối với 142 doanh nghiệp thoái vốn thành công (thoái hết 135 doanh nghiệp, thoái bớt 7 doanh nghiệp), SCIC thu về 37.891 tỷ đồng trên giá vốn 7.199 tỷ đồng, chênh lệch 30.692 tỷ đồng và gấp 5,2 lần giá vốn. Trong đó có một số doanh nghiệp có quy mô lớn như: Tổng công ty Công dầu thực vật Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco, Công ty cổ phần FPT...
Lý giải nguyên nhân SCIC không hoàn thành kế hoạch thoái vốn, Bộ Tài chính chỉ rõ 4 lý do chính.
Thứ nhất, t ỷ lệ sở hữu của SCIC tại doanh nghiệp thấp nên không hấp dẫn nhà đầu tư.
Thứ hai, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh không hấp dẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, gặp khó khăn.
Thứ ba, trên 20 doanh nghiệp thuộc diện rất khó bán, triển khai bán vốn nhiều lần không thành công.
Thứ tư, một số doanh nghiệp đủ điều kiện để tiếp nhận nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, giá trị cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán dưới mệnh giá, vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ.
Theo quy định, SCIC phải thực hiện trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tại Tổng công ty Sông Đà - CTCP, Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam - CTCP, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP, do đó, việc bán vốn sẽ phải triển khai thành nhiều lần, tốn kém thời gian và chi phí bán vốn, không đạt tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giải pháp hoàn thành kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp SCIC thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính cho hay hiện nay, SCIC đang hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược kinh doanh của SCIC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035, Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2021-2025), Đề án cơ cấu lại SCIC giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp của SCIC giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó bao gồm phương án thoái vốn của SCIC giai đoạn 2021-2025.
Như vậy, SCIC có trách nhiệm thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để hoàn thành kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc SCIC, theo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ cần sớm phê duyệt Chiến lược kinh doanh của SCIC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035, Kế hoạch kinh doanh 5 năm (giai đoạn 2021-2025), Đề án cơ cấu lại SCIC giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp của SCIC giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành quyết toán vốn lần 2 đối với các doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
Cùng với đó, Uỷ ban Quản lý vốn chỉ đạo SCIC triển khai Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc SCIC giai đoạn 2021-2025 (bao gồm cả danh mục thoái vốn) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, tổng hợp, rà soát các vướng mắc trong quá trình SCIC thực hiện để xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời.
Đối với SCIC, Bộ Tài chính đề nghị đơn vị chủ động rà soát, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ, cơ chế tài chính để SCIC chủ động trong việc tiếp nhận, xử lý tài chính, lựa chọn doanh nghiệp, thời điểm thích hợp để thoái vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ.
Chủ động triển khai thoái vốn giai đoạn 2021-2025 theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và có hiệu quả; kịp thời báo cáo, đề xuất với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và các cơ quan có liên quan đề xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp tiếp cận “mô hình quản trị tốt” theo thông lệ quốc tế. Hình thành đội ngũ cán bộ đầu tư tài chính, đầu tư vốn chuyên nghiệp, có trình độ cao; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, SCIC cần thiết lập hệ thống cảnh báo, phân tích dự báo thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện rủi ro, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích.
Danh sách bán vốn năm 2022 của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có 101 đơn vị, trong khi năm 2021 là 88 và 2020 là 85. Tuy nhiên lại vắng bóng một số tên tuổi lớn trong danh sách năm ngoái như Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), Công ty cổ phần FPT (mã FPT), Sabeco (mã SAB), Vinatex (mã VGT)…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 382 tỷ đồng, thu về cho ngân sách nhà nước 2.180 tỷ đồng. Trong đó, SCIC thực hiện bán vốn tại 17 doanh nghiệp thu về 687 tỷ đồng.