Thị trường Canada nổi tiếng về xuất khẩu đồ gỗ với giá trị trung bình khoảng 450 triệu USD/tháng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường tiêu dùng lớn với 38,83 triệu dân, đặc biệt có lượng dân nhập cư dự đoán ổn định ở mức 400.000 người/năm.
Tại Phiên tư vấn xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất sang thị trường Canada, TS. Trần Thu Quỳnh- Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada đưa ra thông tin: Nhu cầu tiêu thụ trung bình mặt hàng này của một hộ dân tại Canada khoảng 700 USD/năm, trong đó tiêu thụ cao nhất là ở bang Ontario.
Chính bởi tiêu dùng cao, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada cũng khá lớn. Giai đoạn 2014-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng 550 triệu USD/tháng, khoảng 7 tỷ USD/năm. Cao điểm nhập khẩu thường là các tháng cuối năm và thấp nhất vào các tháng 1-2-7.
Năm 2020, 2021, Canada nhập khẩu tăng do gián đoạn sản xuất trong nước. Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu nhiều nhất với khoảng 3,3 tỷ USD/năm, tiếp đến là Hoa Kỳ khoảng 2,3 tỷ USD/năm.
Dù đứng thứ 13 trong số quốc gia xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất vào Canada, tuy nhiên TS. Trần Thu Quỳnh chia sẻ, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ so với các quốc gia khác. Đồng thời cho rằng, Việt Nam có khả năng mở rộng hơn nữa giá trị xuất khẩu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một động lực lớn. Thực tế, từ khi CPTPP có hiệu lực, tăng trưởng xuất khẩu gốm sứ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào Canada đã tăng trung bình 30%/năm.
Vậy kênh nào giúp đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường Canada? Trả lời câu hỏi này, TS. Trần Thu Quỳnh cho rằng: Canada sở hữu nhiều nhãn hàng nội thất cao cấp, doanh nghiệp có thể phối hợp để cùng hợp tác sản xuất kinh doanh dưới dạng OEM. Bởi lẽ, giá nhân công tại Canada cao, đặc biệt nhân công ngành gỗ rất khó tìm và sản xuất tại Việt Nam có thể giải quyết điểm nghẽn này. Doanh nghiệp ngành gỗ trong nước cũng có thể tính đến khả năng mua bán doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp tại Canada theo hướng đầu tư.
Trong triển vọng hợp tác đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước còn có thể phối hợp đào tạo nhân lực, nhất là việc kết hợp nhiều loại nguyên liệu trong sản phẩm gỗ, học tập kinh nghiệm xử lý gỗ và nước sơn, tự động hoá trong sản xuất, tận dụng hệ thống bán hàng của đối tác Canada để đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ.
“Chính phủ Canada đang hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng, rất nhiều sản phẩm phụ trợ cho ngành gỗ Canada bị thiếu nguồn cung và doanh nghiệp trong nước có khả năng tham gia vào”, bà Trần Thu Quỳnh nói.
Trước những gợi ý của đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada, ông Nguyễn Liêm- Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ: Ngành gỗ Việt Nam đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây và nắm bắt tốt xu hướng thị trường. Ngành gỗ Việt Nam cũng đã xuất khẩu sản phẩm sang Canada nhưng con số này so với quy mô thị trường còn nhỏ.
Vấn đề doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhất hiện nay là nguyên liệu từ Canada. Hiện nguồn gỗ Bạch Dương dùng để sản xuất tủ bếp đang thiếu nghiêm trọng do khó nhập khẩu, Thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn gỗ thay thế, đồng thời tăng cường kết nối với nhà nhập khẩu Canada.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, một doanh nghiệp nhập khẩu Canada cũng cho hay: Bản thân doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tình trạng này đã kéo dài trong 1 năm. Hy vọng cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan xúc tiến thương mại, mối quan hệ hợp tác kinh doanh với nhiều đối tác sẽ giúp doanh nghiệp 2 nước giải quyết vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam về cách tiếp cận thị trường Canada, doanh nghiệp nhập khẩu này cũng thông tin: Có nhiều cách bán hàng qua Canada, trong đó có 2 cách chính là bán thành phần sản phẩm qua Canada để lắp ráp và bán thành phẩm. Với cách 1, doanh nghiệp có lợi thế là đóng gói gọn và vận chuyển thuận lợi, tuy nhiên cần xem xét đến chi phí lao động cao tại Canada.
Cách 2, chi phí vận chuyển sẽ tăng cao, do thành phẩm lớn khó tiết kiệm không gian trong đóng gói. Cách này, doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin về phân phối mặt hàng thành phẩm, có thể chọn kênh bán lẻ, hoặc thông qua trợ giúp của 1 đại lý, hoặc bán trực tiếp cho khách hàng thông qua Internet.
Mỗi cách bán hàng có đặc điểm và lưu ý riêng nhưng đều cần tìm được đối tác kinh doanh. “Doanh nghiệp có thể tìm qua các hội chợ chuyên ngành, mối quan hệ cá nhân, phái đoàn thăm viếng nhưng cần xác định điểm mạnh yếu để xác định năng lực và tìm đối tác tin cậy”, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu nói.