Sau vụ vỡ nợ cách đây 2 năm, công ty bất động sản China Evergrande đi theo con đường tái cấu trúc với hy vọng đến một ngày có thể đứng vững trở lại. Nhưng kế hoạch tái cơ cấu nợ của Evergrande đang gặp khó, sau khi cảnh sát tiến hành điều tra nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của công ty là tỷ phú Hứa Gia Ấn, và bắt giữ một loạt nhân viên công ty con về tài chính của Evergrande.
Hôm thứ Năm tuần trước, trong một thông báo đăng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Evergrande cho biết ông Hứa đang bị cảnh sát áp dụng “biện pháp bắt buộc” vì nghi vấn phạm tội. Evergrande không nói rõ ông Hứa đang ở đâu và biện pháp cụ thể mà ông đang bị áp dụng là gì. Trong hệ thống luật pháp của Trung Quốc, “biện pháp bắt buộc” có thể bao gồm tạm giữ hoặc chính thức bắt giữ.
Evergrande trước nguy cơ phải thanh lý tài sản
Việc ông Hứa, người lập nên Evergrande vào năm 1996, bị điều tra làm gia tăng mức độ bấp bênh vốn dĩ đã lớn về tương lai của công ty. Doanh nghiệp địa ốc khổng lồ này đang đặt cược vào một kế hoạch tái cơ cấu nợ quy mô lớn có sự giám sát của Chính phủ Trung Quốc dự kiến được chủ nợ thông qua sau vài tuần nữa để ngăn chặn một vụ sụp đổ hoàn toàn.
Với số nghĩa vụ nợ hơn 300 tỷ USD, lớn hơn số nợ của bất kỳ công ty bất động sản nào khác trên thế giới, và tiếp tục thua lỗ, Evergrande cách đây hơn 1 tuần đã cảnh báo rằng kế hoạch tái cơ cấu nợ có thể không “đầu xuôi đuôi lọt” vì nhà chức trách tiến hành điều tra một chi nhánh lớn ở Trung Quốc đại lục. Sau đó, một loạt cuộc gặp đã được lên lịch giữa Evergrande và chủ nợ đã bị hoãn lại.
“Chắc chắn Bắc Kinh đã thay đổi quan điểm về Evergrande, vì câu chuyện tái cơ cấu giờ đây lại vướng vào một cuộc điều tra hình sự dù sự thật chưa chắc đã đúng là như vậy”, nhà nghiên cứu George Magnus của Trung tâm Trung Quốc, Đại học Oxford, nhận định với hãng tin CNN.
Cũng theo ông Magnus, Evergrande có thể đi theo con đường của các công ty lớn đã đổ vỡ khác ở Trung Quốc, như HNA Group hay Anbang. Cách đây 10 năm, HNA và Anbang là hai trong số những công ty tư nhân lớn nhất của Trung Quốc và đã vung tiền thâu tóm các tài sản trên toàn cầu. Tuy nhiên, chủ tịch của mỗi công ty đã bị bắt, lần lượt vào năm 2017 và 2021, rồi sau đó cả hai công ty đã bị tiếp quản và thanh lý bởi Chính phủ Trung Quốc.
“Tôi đoán là Evergrande cũng sẽ đi đến kết cục như vậy, nhưng cũng có thể bị mua lại hoặc chia thành những công ty nhỏ hơn. Khả năng cao là Evergrande sẽ bị tiếp quản, rồi bị thanh lý tài sản hoặc được vận hành bởi sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp bất động sản quốc doanh và ngân hàng”, ông Magnus phát biểu.
Chuyên gia Tyran Kam thuộc tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng nhà chức trách sẽ phải thận trọng khi xử lý vấn đề Evergrande để tránh một vụ sụp đổ hỗn độn. “Không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với công ty này. Nhưng tôi không cho là Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc việc thanh toán công ty”, ông Kam nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc Chủ tịch Evergrande bị điều tra có thể liên quan tới công ty con về quản lý tài sản. Bộ phận này đã hoạt động như một “ngân hàng ngầm” từ năm 2015, huy động vốn cho từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cho công ty mẹ. Tháng 9 vừa qua, cảnh sát ở Thẩm Quyến, nơi Evergrande đặt trụ sở, đã bắt một loạt nhân viên của công ty con này vì nghi vấn “huy động vốn trái phép”.
Trong một cuộc điều tra rộng hơn đối với Evergrande, nhiều nhà điều hành khác của công ty cũng bị bắt, gồm con trai của ông Hứa và một cựu Giám đốc tài chính - theo tin từ tờ Yicai hôm thứ Năm tuần trước. Tuy nhiên, bài báo này đã bị gỡ sau đó.
Việc Chủ tịch Evergrande bị điều tra, cộng thêm các cuộc điều tra nhằm vào công ty, và việc Evergrande không thể phát hành trái phiếu mới đồng nghĩa kế hoạch tái cơ cấu nợ của công ty có thể thất bại. Tuần trước, cổ phiếu Evergrande lại bị đình chỉ giao dịch vô thời hạn sau khi giảm giá 80% kể từ khi được nối lại giao dịch vào tháng 8 sau 17 tháng đình chỉ.
Những hệ lụy nếu Evergrande "sập tiệm"
“Việc tái cơ cấu nợ sẽ không thể diễn ra nếu Evergrande không thể phát hành nợ hay cổ phiếu mới. Mà bây giờ thì có vẻ đúng là công ty sẽ không thể huy động vốn mới”, ông Magnus nhận định. “Bởi vậy, trừ phi có một giải pháp vào phút chót cho phép việc huy động vốn mới, kế hoạch tái cơ cấu nợ gần như chắc chắn sẽ thất bại. Việc có giải pháp vào phút chót hay không tùy thuộc vào việc Chính phủ Trung Quốc đang nghĩ gì về Evergrande”.
Nếu kế hoạch tái cơ cấu sụp đổ và Evergrande không thể đạt một thỏa thuận mới với chủ nợ, công ty có thể sẽ bị thanh lý. Một chủ nợ của Evergrande đã đâm đơn kiện lên tòa án ở Hồng Kông nhằm buộc công ty phải thanh lý tài sản. Một nhóm ngày càng đông chủ nợ được cho là sẽ gia nhập vụ kiện này nếu Evergrande không sớm đưa ra được một kế hoạch sinh tồn mới.
Theo ông Kam, việc Evergrande có phải thanh lý hay không còn tùy thuộc vào việc chủ nợ sẽ tiếp tục có hành động như thế nào. Tuy nhiên, vị chuyên gia nói thêm rằng thanh lý sẽ là một “quy trình hỗn độn” đối với tất cả các chủ nợ. Khi một công ty thanh lý, tất cả các tài sản của công ty bị đóng băng và mọi hoạt động của công ty phải dừng.
Trong trường hợp như vậy, hệ quả sẽ rất sâu rộng. Evergrande có hơn 100.000 nhân viên vào thời điểm cuối năm 2022, gần 800 dự án bất động sản chưa hoàn thiện với khoảng 700.000 căn hộ trải khắp hơn 200 thành phố trên toàn Trung Quốc. Trong 2 năm qua, nhân viên, nhà đầu tư và khách hàng của Evergrande đã một số lần tổ chức biểu tình để đòi nợ lương, hoàn tiền thua lỗ đầu tư, hoặc bồi thường cho người mua những căn nhà chưa hoàn thiện.
Nếu Evergrande phải thanh lý tài sản, ảnh hưởng không nhỏ sẽ rơi vào hàng nghìn người mua nhà trả trước, cả nền kinh tế Trung Quốc, cũng như thị trường tài chính trong nước và toàn cầu.
“Chính phủ Trung Quốc không muốn tầng lớp trung lưu phải hứng chịu thiệt hại tài chính hoặc phải mất căn nhà đã mua trả trước, nhưng Evergrande đang khiến nhà chức trách ngày càng khó xử”, ông Magnus nhận định.
Có thể Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng để Evergrande sụp đổ, nhưng ảnh hưởng đối với các gia đình và đối với niềm tin trên thị trường bất động sản có thể sẽ “quá lớn” - ông nói, cho rằng giới chức có thể triển khai các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng đối với người mua nhà và nhà đầu tư.
Còn theo ông Kam, Chính phủ Trung Quốc sẽ nghiên cứu để ổn định thị trường trong trường hợp Evergrande “sập tiệm”, bao gồm làm thế nào để hoàn thiện các dự án và giao nhà cho người mua.
Ông Magnus tin rằng quãng thời gian là một công ty độc lập của Evergrande đã không còn. “Họ sẽ cầm cự cho tới khi hoàn thành việc giao nhà và quản lý các dự án đã hoàn thiện. Nhưng xét cho cùng, Evergrande đang tan rã một cách từ từ”, ông nhận định.