Theo thống kê, năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trên 174.000 ha (tăng 47% so với năm 2016), đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai mạnh mẽ, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3 % tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng đường phía trước còn vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại sản phẩm như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…
Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ, ông Bùi Hồng Quân - Phó Chủ tịch HĐQT Vinamit - cho rằng, để làm nông nghiệp hữu cơ thực chất, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng.
Doanh nghiệp khi làm hữu cơ đòi hỏi phải thực sự tâm huyết, giữ uy tín, bởi khi bắt đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao, kinh phí, vốn đầu tư,... Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mới bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ. “Hiện nay, Vinamit vẫn chưa thể tin tưởng được một số nhà cung cấp do nhiều đơn vị chưa đảm bảo đúng theo cam kết ban đầu”, ông Bùi Hồng Quân chia sẻ.
Nhiều thách thức đang đặt ra cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm hữu cơ, trong đó, trở ngại lớn nhất là về giá. Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thực phẩm hữu cơ cao hơn thực phẩm thường là 6 lần. Hình thức của sản phẩm hữu cơ cũng không mượt mà, phổng phao, bóng bẩy như các loại rau củ, trái cây có sử dụng chất kích thích hay bảo quản. Hiện nay sản phẩm hữu cơ ngoại được nhập bổ sung cho đầy đủ dải sản phẩm nhưng cũng chưa thể phong phú bằng thị trường sản phẩm tươi đang có mặt.
Khách hàng mua thực phẩm hữu cơ thường chọn mua cửa hàng hay siêu thị quen để tránh bị nhầm hàng giả, vì vậy, việc duy trì cửa hàng với các thương hiệu riêng là rất cần thiết nhưng cũng hết sức tốn kém.
Ngoài ra, hiện nay cũng còn nhiều ngộ nhận về sản xuất thực phẩm hữu cơ. Sản xuất sản phẩm hữu cơ không chỉ dừng ở việc sử dụng dùng phân bón hữu cơ. Kỷ luật sản xuất nghiêm ngặt nhất là sản phẩm hữu cơ, các nguyên tắc và kỷ luật không thể “linh hoạt” nên giá hàng phải cao.
Thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.
Để phát triển thị trường hữu cơ tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhấn mạnh về việc xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng, điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.