Theo đó, những bức xúc dư luận được báo giới đưa tin việc đối tác Grab (người chạy Grab) phản ánh gay gắt vấn đề liên quan đến giá, phí đối với ứng dụng giao hàng GrabFood, không đảm bảo đúng quyền lợi được hưởng trên từng cuốc xe trong thời điểm giao hàng.
Sự việc cho thấy, tài xế của Grab (trú tại TP. Hồ Chí Minh) nhận “cuốc xe” giao đồ ăn, gần 3km từ Phan Xích Long đi Nguyễn Văn Công, có giá phí là 36.000 đồng, (trong đó có 9.000 đồng là phí đặt đơn giá trị nhỏ cộng với phí dịch vụ). Khi đó, người chạy Grab chỉ thực nhận 11.636 đồng từ phần chiết khấu của 16.000 đồng, mà không phải là từ 27.000 đồng…
Được biết, điều kiện sau khi bị trừ 8% thuế VAT và 20% chiết khấu cho ứng dụng, thì phần còn lại là giá trị nhận được của người chạy Grab sau mỗi chuyến xe, giao hàng.
Để khách quan thông tin, Phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ với Grab, đặt ra những câu hỏi liên quan đến sự việc trên, có hay không việc Grab mập mờ về giá, phí ship như báo chí đã đưa, cần Grab công khai, minh bạch đối với các loại phí, phụ phí, thuế trên từng “cuốc” xe cũng như quyền lợi của đối tác tài xế và người dùng…
Ngoài ra, dư luận cũng hết sức quan tâm đến các vấn đề về hoạt động kinh doanh của đơn vị có ứng dụng gọi xe hàng đầu tại Việt Nam. Theo báo cáo tài chính 2021 của Grab Việt Nam thì doanh nghiệp này âm hơn 300 tỷ đồng, tính đến hết năm 2021 công ty lỗ lũy kế lên tới 4.365 tỷ đồng. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến Grab đẩy mạnh “tận thu” trên đầu đối tác tài xế và người tiêu dùng?
Trước những câu hỏi trên, đại diện truyền thông Grab Việt Nam đưa ra hàng loạt các thông tin: cước phí giao hàng chênh lệch về thu nhập sẽ được Grab bù đắp trực tiếp vào ví của đối tác hoặc thông qua các chương trình hỗ trợ thu nhập khác; tùy theo từng thời điểm, ở từng khu vực, với từng cửa hàng, để áp biểu giá linh động; liên tục cải tiến công nghệ và thuật toán; thu nhập chênh lệch được tăng thêm hoặc giảm đi cước phí giao hàng là do người dùng chi trả...
Với cách trả lời chung chung như vậy, dư luận cho rằng, trước những thông điệp của Grab đưa ra chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch và không đủ thuyết phục đối với đối tác và cả khách hàng. Liệu rằng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dùng?!.
Đồng thời, đối với trường hợp của Grab tự ý “linh động”, khiến khách hàng lo ngại sự thiếu minh bạch trong việc kiểm soát giá, phí, và có thể gây tranh cải về lợi ích của số đông khách hàng. Vì Grab đã khẳng định “Giá cước dịch vụ đều đã được thông báo đến người dùng và hiển thị trên ứng dụng để người dùng cân nhắc trước khi đặt dịch vụ” bằng hình thức thông qua App ứng dụng.
Rõ ràng, thông điệp Grab đưa ra không đảm bảo được quyền lợi của người dùng… Để tìm hiểu rõ hơn, Phóng viên đã hỏi anh N.V.T - người chạy Grab khu vực TP. Thủ Đức, anh cho biết, khi nhận được tín hiệu có “cuốc chạy” báo vào điện thoại, tài xế sẽ biết giá tiền của cuốc xe đó là bao nhiêu và đi từ nơi này đến nơi kia là bao xa. Tuy nhiên tài xế sẽ không biết được giao dịch của khách với app thế nào hay bao nhiêu tiền.
Để dẫn chứng, anh T. đưa cho phóng viên xem màn hình điện thoại app hiển thị một cuốc xe giao hàng dưới 3 km vừa thực hiện với mức phí 16.000 đồng, sau khi trừ phí dịch vụ, phí sử dụng ứng dụng và thuế, phần thu nhập ròng anh nhận là 11.636 đồng. Tuy nhiên khi hỏi người đặt giao hàng cuốc này anh mới biết họ phải trả tới 22.000 đồng (trong đó có 16.000 đồng tiền phí và 6.000 đồng tiền phí dịch vụ trả cho Grab - theo thông báo của ứng dụng cho khách hàng là để tái đầu tư vào việc cải tiến dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ cho người khuyến mãi…).
Không chỉ thiếu minh bạch về giá tiền, phụ phí, nhiều tài xế chạy Grab cho biết họ còn phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe mà ứng dụng này đưa ra. Cụ thể, anh T.V.S - một người chạy Grab tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, anh phải đáp ứng và tuân thủ rất nhiều các điều kiện của Grab như, tỉ lệ khách hàng đánh giá tốt, không hủy cuốc xe, thời gian đưa và đón khách được đảm bảo, liên tục mở app… thì mới tăng được số lượng hàng hoặc khách, có thể đủ thu nhập cho ngày chạy xe đó.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên ứng dụng gọi xe này dính lùm xùm về giá cước và phụ phí… Đầu tháng 7, Grab cập nhật chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng với một số dịch vụ như GrabBike, GrabFood, GrabExpress 3.000 - 5.000 đồng, được áp dụng cho mỗi đơn hàng vào những thời điểm nắng gay gắt. Tuy nhiên, chính sách này nhanh chóng hứng chịu chỉ trích từ cả tài xế và khách hàng vì không rõ ràng. Đồng thời, người dùng còn nghi ngại App ứng dụng gọi xe hàng đầu này đang cố tình lợi dụng yếu tố thời tiết để “tận thu”?!
Đối với vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, trường hợp “phụ phí nắng nóng” hoặc các loại phí, phụ phí khác do Grab áp dụng phải được thông báo đầy đủ, rõ ràng cho người tiêu dùng trước khi áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.