Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra thông báo hạ cấp độ ứng phó Covid-19. Du khách quốc tế có thể nhập cảnh không cần cách ly từ 8/1/2023. Động thái nới lỏng này là tín hiệu mừng với nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam chuyên mảng outbound (đưa khách đi nước ngoài). Tuy nhiên, khách Việt cũng sẽ chưa vội để du lịch Trung Quốc trở lại.
Giá sẽ đắt, nhiều rủi ro
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, khi được hỏi về "làn sóng" khách Việt du lịch Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo ông Đạt, đa số du khách Việt sẽ cẩn trọng trong việc lựa chọn Trung Quốc làm điểm đến do số ca mắc Covid-19 ở nước này vẫn rất cao. Mặt khác, người Việt đang có nhiều lựa chọn hơn để du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Hiện tại, dù không yêu cầu cách ly, khách nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc vẫn phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành.
"Tôi thấy điều này hơi ngược bởi lúc này thế giới đã bình thường với Covid-19. Trung Quốc là nơi đang bùng phát dịch nặng lại yêu cầu du khách nhập cảnh phải có kết quả âm tính với Covid-19. Dĩ nhiên, quốc gia nào mới mở cửa cũng sẽ đi kèm theo một số điều kiện như thế", ông Đạt nói.
Đại diện công ty này dự đoán phải mất khoảng 2-3 tháng, khách Việt mới có thể sẵn sàng du lịch Trung Quốc trở lại. Bản thân Trung Quốc cũng đã "đóng cửa" với thế giới khoảng 3 năm nên cũng không thể đảm bảo những điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng của họ đều hoạt động bình thường.
Chia sẻ với Zing, nhiều đơn vị lữ hành cũng bày tỏ quan điểm Trung Quốc "quay xe" với chính sách "Zero Covid" hơi vội. Do đó, du lịch chưa chắc đã ổn định lại để du khách an tâm đi chơi. Ví dụ Thái Lan cũng có kế hoạch mở cửa lại trước 6 tháng - khi họ còn đang ở đỉnh dịch. Trong khi đó, quyết định mở cửa du lịch với khách quốc tế của Trung Quốc lại khá bất ngờ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều đơn vị đối tác landtour tại Trung Quốc của các công ty lữ hành Việt Nam đã đóng cửa, cắt giảm nhân sự. Do đó, mạng lưới này cần một thời gian để khôi phục. Tuy nhiên, tổng giám đốc AZA Travel nhấn mạnh vấn đề lớn nhất lúc này trong việc xây dựng lại sản phẩm tour Trung Quốc chính là giá cả.
"Tour Trung Quốc xưa giá không quá cao do có chính sách trợ giá từ những khu mua sắm. Các khu này chủ yếu bán cho người nước ngoài và luôn xuất hiện trong hành trình tour. Họ bán những mặt hàng như thuốc, lụa, đồ lưu niệm... Tuy nhiên, trong thời gian qua, họ đã đóng cửa rất nhiều vì không có khách", ông Đạt nói.
Theo tính toán của ông Đạt, giá tour Trung Quốc khi mới mở lại có thể tăng tới 50% so với trước kia.
Ví dụ, tour "xịn" nhất ở Trung Quốc là Bắc Kinh - Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu xưa có giá khoảng 16 triệu đồng/người. Trong thời gian tới, tour này có thể lên 20 triệu đồng/người. Hay tour được nhiều người Việt yêu thích là Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn từng có giá khoảng 10-12 triệu đồng/người. Sắp tới, tour này có thể tăng giá lên 15 triệu đồng/người.
Nguyên nhân chính nằm ở 2 yếu tố là landtour và vé máy bay. Các hãng hàng không sẽ phải mất một thời gian để ổn định, khôi phục những đường bay cũ. Vì thế, tần suất chuyến bay thời gian đầu khả năng không có nhiều.
Khách Việt chưa thực sự quan tâm
Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc ban Tiếp thị Vietravel, suốt một năm qua, lượng khách quan tâm các tour du lịch Trung Quốc chưa cao vì tình hình dịch bệnh tại quốc gia này diễn biến khá phức tạp.
Hiện tại, dù đã có thông tin Trung Quốc sắp ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh từ 8/1/2023, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể về chính sách visa. Hoạt động xúc tiến du lịch chưa nhiều. Điều này dẫn đến lượng khách quan tâm du lịch Trung Quốc còn thấp.
"Chúng tôi vẫn đang chờ thêm những tín hiệu tích cực hơn bởi hiện nay chưa có thông tin cụ thể về chính sách visa cho khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc. Thời gian nối lại các hoạt động du lịch giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung còn chưa rõ ràng", bà Khanh chia sẻ.
Dù vậy, quốc gia này vẫn luôn là điểm đến hàng đầu của du khách Việt trước dịch. Thống kê từ Vietravel và Flamingo Redtours cho thấy Trung Quốc luôn nằm trong top 5 điểm đến được khách Việt yêu thích, bên cạnh các tuyến như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Thái Lan.
Riêng với Flamingo Redtours, các đoàn đi Trung Quốc chiếm tới 35% thị phần khách du lịch outbound của công ty. Đối tượng khách chính là dân công sở, người trung niên và cao tuổi.
Gần đây, công ty này cũng thực hiện một khảo sát về các điểm du lịch ở Trung Quốc được khách Việt yêu thích. Kết quả cho thấy khách Việt kỳ vọng được trở lại Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trương Gia Giới, Cửu Trại Câu hay tuyến Côn Minh - Lệ Giang - Shangrila.
"Chúng tôi dự đoán những tour khám phá các điểm đến du lịch mới, thưởng lãm phong cảnh kết hợp trải nghiệm văn hóa tại địa phương sẽ là xu hướng khách du lịch Việt quan tâm trong thời gian tới. Hiện tại, trong khi chờ thêm thông tin chính thức, chúng tôi dự kiến làm mới chương trình tour dựa trên đặc điểm trên", đại diện Vietravel chia sẻ.