Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng. Hãy nghĩ đến các chủ nhà bị từ chối bảo hiểm, một ví dụ hoàn toàn không phải là số ít. Kể từ ngày được khai sinh đến nay, lĩnh vực bảo hiểm đã hoạt động dựa trên cơ sở chia sẻ rủi ro: lấy tổng chi phí bảo hiểm cho các nhóm nhà cửa, xe hơi và nhân mạng rồi chia đều cho số tài sản.
Trong thời đại dữ liệu hiện nay, các tập đoàn bảo hiểm sẽ có thể truy xuất thông tin từ thiết bị theo dõi trong xe hơi hoặc các cảm biến trong nhà bạn - chẳng hạn cảm biến của máy điều nhiệt “thông minh”, máy báo khói, hay camera an ninh (có thể được sản xuất bởi Nest Labs, công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản phẩm nhà thông minh, được tạo ra và thuộc sở hữu của Google) - và sử dụng những thông tin đó để định giá hợp đồng bảo hiểm dành riêng cho bạn, phù hợp với thói quen và phong cách cá nhân của bạn.
Có thể bạn sẽ được hưởng một ưu đãi gì đó nếu dữ liệu cho thấy bạn vừa gắn một hệ thống ống nước mới có cảm biến đo lường hiệu suất hoạt động hoặc bạn thường thận trọng dừng xe lúc đèn giao thông vừa chuyển sang màu vàng. Nghe cũng có vẻ tốt đẹp, đúng không?
Còn đây là những gì không mấy tốt đẹp. Bạn sẽ phải trả giá nếu cảm biến phát hiện cậu con trai mười sáu tuổi của bạn đang hút thuốc trong phòng ngủ (máy báo khói sẽ lập tức gửi thông báo đến công ty bảo hiểm của bạn), hoặc không kịp dọn tuyết ở hiên nhà trước khi nó đóng băng (cảm biến sẽ ghi lại thời điểm bạn dọn tuyết và gửi đến công ty bảo hiểm để những công ty này có thể hạn chế rủi ro phải bồi thường nếu một người qua đường bị trượt chân té ngã).
Có thể bạn sẽ được quyền chọn không sử dụng các thiết bị giám sát đó, nhưng công ty bảo hiểm sẽ không để việc đó diễn ra dễ dàng. Tương tự, khi lướt những trang mạng như Facebook hay Google, bạn sẽ không thể từ chối cấp quyền truy cập thông tin cá nhân mà không bị tước bỏ quyền sử dụng nhiều dịch vụ.
Rõ ràng, những hoạt động nhắm mục tiêu có độ chính xác cao này có thể tác động mạnh đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương. Ví dụ, Google từng cho phép những người cho vay nặng lãi quảng cáo trên nền tảng của mình - nơi thông tin người dùng có thể bị lợi dụng để nhắm đến những người có nhu cầu vay nóng - rất nhiều năm trước khi chấm dứt tình trạng này.
Tương tự, hoạt động bảo hiểm như trong ví dụ trên đã phá vỡ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa một tập thể lớn hơn và khiến cho nhiều cá nhân phải tự xoay xở, từ đó có thể dẫn đến sự ra đời của một tầng lớp cấp thấp không được bảo hiểm, phải trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước hoặc tìm đến những người cho vay nặng lãi.
Điều này cũng khơi gợi một bí mật bẩn thỉu khác của thời đại kỹ thuật số: chính phủ có thể sẽ trở thành nhà cung cấp bảo hiểm cuối cùng, và người đóng thuế sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm bảo hiểm cho những người bị công ty bảo hiểm tư nhân xem là rủi ro cao.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Facebook và Google không phải là những công ty duy nhất đang thu thập dữ liệu về tất cả chúng ta và tận dụng sức mạnh của dữ liệu để có được những lợi ích lớn nhất, mạnh mẽ nhất. Với sự dẫn đầu của Big Tech, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang tự phát triển kỹ thuật khai thác dữ liệu để cùng tận hưởng sự giàu có - những vòi bạch tuộc đang len lỏi khắp nền kinh tế.
Các nhà môi giới dữ liệu như văn phòng tín dụng, công ty dữ liệu sức khỏe hay công ty cung cấp thẻ tín dụng... đang thu thập và bán mọi loại dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho những doanh nghiệp và tổ chức không có khả năng tự thu thập dữ liệu. Đó có thể là các nhà bán lẻ, ngân hàng, công ty cho vay thế chấp, trường đại học, tổ chức từ thiện, và chắc chắn là không thể thiếu những tổ chức thực hiện các chiến dịch chính trị.
Mỗi khi khởi động điện thoại, bạn đã mở hàng loạt ứng dụng theo dõi vị trí và hoạt động của bạn trong từng giây. Riêng những ứng dụng này đã đại diện cho một ngành công nghiệp “tọc mạch” trị giá đến 21 tỷ đôla; và bên hưởng lợi không chỉ là các công ty công nghệ lớn nhất (hệ điều hành Android của Google có đến 1.200 ứng dụng theo dõi như vậy), mà còn là một loạt tổ chức bạn chưa bao giờ nghĩ tới như tập đoàn Goldman Sachs hay kênh dự báo thời tiết Weather Channel.
Và đó chỉ mới là khía cạnh tiêu dùng. Internet thương mại kiểu cũ đang dần chuyển thành “Internet vạn vật” công nghiệp và sẽ thu thập dữ liệu trong cả thế giới thực - ở các công ty thiết kế, nhà máy sản xuất, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính, bệnh viện, trường học, và thậm chí ở nhà của chúng ta.
Hầu như với mọi công ty tầm cỡ như Starbucks, Johnson & Johnson, Goldman Sachs…, việc thành công khai thác dữ liệu luôn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của họ. Các công ty bất động sản sử dụng nhiều ứng dụng AI khác nhau để khai thác dữ liệu của người mua và người bán tiềm năng, thậm chí để tự động hóa hoạt động đầu tư lướt sóng.
Nhiều công ty khác thu thập dữ liệu từ màn hình điện tử để đánh giá năng suất lao động của nhân viên, tạo những bảng xếp hạng nhân viên được cập nhật liên tục và gửi cho cấp trên của họ. Một số công ty sản xuất đồ thể thao hiện đã gắn thiết bị định vị toàn cầu (Global Positioning System - GPS) vào giày chạy bộ để theo dõi xem khách hàng chạy bộ ở đâu và trong thời gian bao lâu. Goodyear lắp cảm biến vào lốp xe để truyền dữ liệu về hiệu suất lốp cho kỹ sư của họ.
Những công ty này không “kinh doanh sự chú ý” như Google và Facebook. Họ cũng không có mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên việc mua bán và kiếm tiền bằng dữ liệu. Nhưng trên thực tế, họ vẫn tận dụng dữ liệu để tăng lợi tức đầu tư. Có người nói cách nhanh nhất để trở thành một trong 10% công ty hàng đầu đang nắm giữ 80% tài sản doanh nghiệp là tìm ra cách tận dụng những tài sản “vô hình” - chứ không phải vật chất hay thậm chí là vốn - như dữ liệu, bằng sáng chế, tài sản trí tuệ và các mạng lưới.
Các công ty trong mọi lĩnh vực đều trông chờ dữ liệu điện tử có thể giúp họ thúc đẩy sự tăng trưởng trong những năm tới. AI theo hướng dữ liệu có thể mang lại khoản doanh thu lên tới gần 6.000 tỷ đôla cho những công ty triển khai thành công. (Ngành được hưởng lợi nhiều nhất hiện là bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng).
Hầu hết CEO tôi từng trò chuyện đều cực kỳ lạc quan khi nhắc đến chủ đề này, họ cho rằng các khoản đầu tư vào AI sẽ mang về cho họ từ 10% đến 30% lợi nhuận. Và càng có nhiều dữ liệu, AI càng hoạt động hiệu quả. Điều này tốt cho doanh nghiệp, nhưng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các công dân đang bị xâm phạm quyền riêng tư, cũng như người lao động đang làm những công việc có thể được thực hiện bởi máy móc.
Nguồn: Sách "Đừng trở nên xấu xa", Rana Foroohar / First NewsNXB Dân trí