Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận khánh thành 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tại điểm cầu Khánh Hoà. Tại đầu cầu Bình Thuận, dự lễ khánh thành có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng…
Vượt nắng thắng mưa, thắng đại dịch để xây cao tốc
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên dương những cán bộ, công nhân, viên chức hoạt động trên công trường này và bày tỏ sự xúc động với công nhân vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch thi công trên công trường, không kể ngày đêm, sớm tối để khánh thành hai đoạn tuyến cao tốc ngày hôm nay.
Đây cũng là thành quả của sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tỉnh, thành phố có liên quan, sự ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, từ đó, quyết tâm hoàn thành bằng được tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đúng kế hoạch theo đúng mục tiêu đặt ra.
Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá rất cao ba dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là dự án Nha Trang - Cam Lâm được khánh thành ngày hôm nay.
Thông tin chi tiết về dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, cho biết dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km.
Trong đó, có 8 dự án thành phần với chiều dài 477 km được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần với chiều dài 177 km được đầu tư theo phương thức PPP.
Đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác 6 dự án thành phần dài 425km. Trong đó, có 2 dự án khánh thành ngày hôm nay, gồm dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km khởi công năm 2020 được đầu tư công và dự án Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km khởi công năm 2021 đầu tư theo phương thức PPP.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, dự án Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án đầu tư theo phương thức PPP được kêu gọi đầu tư trong bối cảnh chuyển tiếp áp dụng Luật PPP, nhiều nhà nhà đầu tư và tổ chức tín dụng có tâm lý e ngại.
"Với sự quyết tâm, kiên định, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự án Nha Trang - Cam Lâm lựa chọn được nhà đầu tư, huy động được tín dụng của các ngân hàng", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Điều đó có ý nghĩa quan trọng, là minh chứng về sự thành công chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng cũng đặc biệt cảm ơn bà con nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của dự án sẵn sàng di dời nhà cửa, ruộng vườn… để nhường đất thi công các dự án. Đồng thời, biểu dương các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, các ban quản lý dự án, các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công, các công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý không quản ngày đêm trên công trường, vượt mọi khó khăn, nỗ lực triển khai, đưa hai dự án về đích thành công.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, nhiều thời điểm, hai dự án đối mặt với rất nhiều khó khăn như: dịch bệnh Covid-19, địa hình, địa chất phức tạp; giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến; khan hiếm nguồn vật liệu; thời tiết khí hậu cực đoan…
"Những khó khăn mà chúng ta vượt qua sẽ là bài học kinh nghiệm hết sức quý báu. Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn cần tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để triển khai các đoạn còn lại thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án cao tốc khác hiện đang được triển khai đồng loạt trên cả nước đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật, an toàn và hiệu quả", Thứ trưởng đề nghị.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán đảm bảo chất lượng, chặt chẽ về thủ tục, hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế trong giai đoạn thi công, không làm tăng tổng mức đầu tư dự án; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực ngay từ khâu thiết kế và quản lý thi công.
Toàn ngành phấn đấu đến cuối năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Mở rộng không gian phát triển mới
Được biết, dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm là 1 trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP có chiều dài tuyến 49,1km. Dự án đi qua các huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa với tổng vốn thực hiện dự án hơn 5.500 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h.
Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Dự án được khởi công tháng 9/2021, đến nay cơ bản hoàn thành tuyến chính với chiều dài 49,1 km, Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác tạm thời vào ngày 19/5.
Dự án thứ hai được khánh thành trong chiều 18/6 là dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8km đi qua địa phận các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình thuận. Giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư 10.850 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2020, đến nay cơ bản hoàn thành tuyến chính với chiều dài 100,8 km, Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác tạm thời vào ngày 19/5.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc hoàn thành hai dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng của nước ta là 1.729 km.
Hai dự án khánh thành ngày hôm nay sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.