“Optimism bubble” là thuật ngữ dùng để chỉ xu hướng các nhà lãnh đạo không mấy bận tâm hoặc đánh giá thấp vấn đề, sự trục trặc của nhân viên trong công việc.
Theo Megan Reitz, chuyên gia về lãnh đạo, xu hướng tâm lý nêu trên là nguyên nhân chính khiến sếp và nhân viên khó giao tiếp, thậm chí bất hòa.
Vậy, đâu là giải pháp tốt nhất cho “optimism bubble”? Dưới đây, CNBC Make It tổng hợp những chỉ dẫn hữu ích của Reitz giúp các nhà lãnh đạo nhận diện vấn đề và phản hồi đóng góp từ cấp dưới một cách hiệu quả hơn.
Lắng nghe thực sự
Dành thời gian lắng nghe ý kiến là một trong những phương án dễ dàng nhất giúp lãnh đạo cải thiện mối quan hệ với nhân viên.
Để phá bỏ rào cản giao tiếp với cấp dưới, sếp nên thường xuyên đặt ra những câu hỏi giúp suy xét lại lối suy nghĩ của mình.
Chẳng hạn, họ có thể tự vấn những câu như: “Mình có đang tỏ thái độ quá tách biệt với nhân viên không?” hay “Làm thế nào để mình nhận biết được cấp dưới đang cảm thấy công việc bất ổn?”.
Tiếp đó, cấp trên nên chú tâm lắng nghe chia sẻ của những người xung quanh. Họ cũng cần tránh tự quyết định những vấn đề quan trọng mà không thảo luận trước với nhân viên, Reitz chia sẻ.
Sếp không chắc luôn đúng
Để mối quan hệ hài hòa, cấp trên cần tìm hiểu và đánh giá lại quan điểm của bản thân mỗi khi họ và cấp dưới nảy sinh bất đồng.
Trong một lần làm việc với hội đồng quản trị của một tổ chức chăm sóc sức khỏe, Reitz nhận thấy một nhân viên đặc biệt lên tiếng về biến đổi khí hậu và thường xuyên chỉ trích tổ chức vì thiếu nỗ lực bảo vệ môi trường.
Một vài quản lý cấp cao xem đây hành vi gây rối và thực sự muốn sa thải anh ta. Tuy nhiên, vẫn có người thực sự xem trọng ý kiến của anh ấy. Đỉnh điểm, một số lãnh đạo còn mời anh vào hội đồng quản trị để bàn luận thêm.
Bài học rút ra từ câu chuyện trên là bất hòa trong tư tưởng còn phụ thuộc vào cách mỗi người nhìn nhận vấn đề. Theo đó, các nhà lãnh đạo cần dành nhiều thời gian và công sức hơn để thấu hiểu mối bận tâm của nhân viên.
Lên tiếng và trao đổi
Không dễ để các nhà lãnh đạo lên tiếng về mọi vấn đề nổi cộm trong công ty. Tuy nhiên, trình bày rõ ràng và chính xác lập trường cá nhân là thiết yếu đối với những người đảm nhiệm chức vụ cao.
Các sếp và quản lý nên cho nhân viên biết được họ tin tưởng và phản đối điều gì khi mâu thuẫn nảy sinh. Theo đó, họ cần trao đổi cẩn thận với cấp dưới để giải quyết triệt để mọi tranh cãi và hiểu lầm.
Thảo luận về ý kiến trái chiều hay mối quan hệ cấp trên-cấp dưới thường mơ hồ và dễ gây bất hòa nên nhiều nhà lãnh đạo né tránh việc này nhất có thể. Tuy nhiên, đây không phải là một chiến lực đối phó bền vững. Muốn cải thiện giao tiếp chốn văn phòng, chủ động và cởi mở hơn với nhân viên là thiết yếu và cấp bách.