Trần Nguyên Đán
- Chuyên gia kinh tế, Luật gia
- Giảng viên tại Đại học kinh tế TP.HCM.
- Có 19 năm kinh nghiệm về tài chính - bảo hiểm.
- Được đào tạo về chuyên ngành tài chính tại Đại học Oxford (Anh), Đại học Santa Clara (Mỹ) và Đại học Aharon Ofri (Israel).
Có nhiều ý kiến trái chiều khi bàn về những khoản vay. Không ít người cho rằng vay mượn là chuyện cần tránh. Họ cho rằng tư duy “dùng trước, trả sau” sẽ dễ hình thành các thói quen xấu trong chi tiêu.
Trong khi đó, số khác lại chủ động vay để thực hiện các dự định riêng. Song, họ chưa biết đâu là giới hạn, nghĩ chỉ nhận tiền rồi "cày cuốc" trả lại sau là được.
Theo quan điểm của tôi, tính chất tốt - xấu của vay nợ phụ thuộc vào mục đích và khoản tiền vay.
Quan trọng hơn cả, cần xác định rõ mục đích ban đầu, lộ trình chi trả và duy trì kỷ luật chi tiêu đời sống. Nhờ đó, các khoản nợ sẽ thực sự mang lại động lực, thay vì luôn là nỗi ám ảnh dai dẳng.
Để nợ không là gánh nặng
Nhằm nói rõ hơn về hai mặt của vay mượn, tôi sẽ lấy ví dụ từ hoạt động quen thuộc với các người trẻ: sử dụng thẻ tín dụng.
Xét trong chi tiêu đời sống, loại hình chi trả này có thể mang lại nhiều lợi ích cho mỗi người. Lịch sử giao dịch thẻ là một kiểu “ghi chép” tài chính, phù hợp cho bất kỳ ai bận rộn, ít thời gian ghi chú chi tiết hoặc đơn giản là thường xuyên không nhớ mình đã bỏ tiền cho khoản gì.
Cứ như vậy, vào cuối tháng, chúng ta sẽ có cái nhìn chi tiết về hành vi tiêu xài trong cả tháng. Từ đây, quá trình hình thành thói quen dùng tiền khéo léo, kỷ luật cũng dễ thực hiện hơn.
Ngoài ra, sở hữu thẻ tín dụng với điểm đánh giá tín dụng cao cũng mang về nhiều lợi ích. Chẳng hạn, bạn thường được ngân hàng ưu ái cho các mức vay và lãi suất tốt, cũng như giải ngân sớm hơn người không dùng hình thức thanh toán này.
Vấn đề nằm ở chỗ, tôi cũng chứng kiến nhiều bạn trẻ rơi vào vào cảnh nợ nần khi “quẹt thẻ” vô tội vạ. Cảm giác “không phải trả ngay” khiến họ sẵn sàng tiêu xài vượt khả năng chi trả, đặc biệt khi sắm các mặt hàng xa xỉ.
Chỉ đến khi nhận chi tiết sao kê, họ mới bắt đầu loay hoay tìm cách trả các khoản nợ chồng chéo. Lúc này, nợ trở thành áp lực, tác động tiêu cực đến nhịp sống và tinh thần của bất kỳ ai.
Tuy nhiên, vay nợ vẫn có thể trở thành động lực khi được sử dụng cho mục đích đầu tư. Hiểu đơn giản, tôi hay gọi đây là hoạt động hy sinh tiêu xài ở hiện tại để thu về nhiều tiền hơn trong tương lai.
Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ hơn về việc vay để đầu tư:
Mỗi tháng, bạn nhận 20 triệu đồng tiền lương. Với nguồn thu trên, mua đứt một lô đất là điều không thể.
Sau vài năm đi làm, bạn tích cóp được 150 triệu đồng và quyết định trả góp để sở hữu miếng đất trị ở khu vực ngoại thành với giá 500 triệu đồng. Lúc này, ngân hàng có thể cho vay tối đa 350 triệu đồng, lãi suất 10%/năm.
Như vậy, chỉ trong 3 năm, bạn dễ dàng hoàn tất khoản nợ này. Tất nhiên, để đảm bảo trả nợ nhanh chóng, mọi chi tiêu cần được tính toán, gói ghém cẩn thận (ví dụ chỉ dùng 10 triệu đồng cho mọi chi phí đời sống). Mặt khác, sau một khoảng thời gian, miếng đất sẽ “có giá” hơn, đảm bảo phần chênh lệch tốt cho chủ sở hữu nếu cần bán ra.
Song, vay để đầu tư sẽ không phù hợp nếu bạn quyết định sắm xe hơi. Bởi phương tiện di chuyển là tiêu sản, thường mất giá theo thời gian. Chưa kể, chúng ta còn phải tốn một khoản đáng kể cho chi phí đi kèm như bảo dưỡng, đăng kiểm… Do đó, thay vì phải mua ôtô bằng mọi giá, bạn nên để dành phần tiền đó cho các mục đích đầu tư thực sự giá trị.
Vay thế nào cho đúng?
Muốn xác định mức vay tối đa phù hợp, cá nhân cần xem xét lại thu nhập của mình. Chúng ta có thể xoay xở tốt nếu khoản vay đầu tư (tính cả gốc lẫn lãi) chiếm 50% nguồn tiền thu về hàng tháng. Nếu vượt quá con số này, bạn khó lòng cáng đáng mọi thứ.
Hãy xác định rõ mục đích ban đầu. Các khoản vay giá trị sẽ được đầu tư cho tri thức, phát triển bản thân hoặc tài sản lâu dài. Quan trọng hơn cả, đừng bao giờ dễ dãi, cho phép bản thân vay để tiêu xài theo sở thích. Bằng không, bạn sẽ luôn chật vật với những khoản nợ kéo dài, không có hướng xử lý.
Ngoài ra, chúng ta cần dành thời gian và tiền bạc để nâng cao kinh nghiệm, chuyên môn nhằm gia tăng mức thu nhập ổn định. Đây là cơ hội tốt để mọi người cải thiện chất lượng cuộc sống, dù đang trong giai đoạn xử lý khoản vay hay đã hoàn tất.
Mặt khác, tôi mong các bạn sẽ tập cân đối và duy trì kỷ luật với việc tiêu dùng hàng ngày. Theo tôi, có hai loại chi tiêu: kham khổ và thoải mái. Nếu dùng tiền quá kham khổ, chúng ta khó đảm bảo các mối quan hệ cần thiết cho công việc. Song, việc chi trả thoải mái lại nhanh chóng đẩy bạn vào cảnh túng quẫn, không có khoản để dành cho tương lai và dẫn đến áp lực tinh thần.
Quan trọng nhất, đừng bao giờ dùng nguồn vay ngắn hạn (vay nóng, thẻ tín dụng) cho các khoản nợ dài hạn để tránh các rủi ro tài chính không đáng có.