Những lỗ hổng về luật
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu trong tháng 8 tiếp tục trầm lắng khi chỉ có 26 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá gần 14.000 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của CTCP Nông Nghiệp BAF Việt Nam trị giá 300 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng. NHTMCP Á Châu phát hành nhiều nhất với 3.300 tỷ đồng, theo sau là NHTMCP Phương Đông (2,800 tỷ đồng) và NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam (1.690 tỷ đồng).
Số liệu: VBMA, Minh Khôi tổng hợp
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành 1.800 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, có 2 đợt phát hành ra quốc tế trị giá 625 triệu USD và 18 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cùng 344 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 220.596 tỷ đồng.
Số liệu: VBMA, Minh Khôi tổng hợp
4 tháng qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới rơi vào khoảng trống đột ngột sau đợt bùng nổ trong giai đoạn 2020 - 2021. Việc siết chặt cơ chế quản lý sau loạt sai phạm trong phát hành trái phiếu thời gian qua được cho là nguyên nhân khiến hình thức huy động vốn này trở nên trầm lắng.
Điển hình là ngày 3/4, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) huỷ bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trên thực tế, thị trường trái phiếu thời gian qua tồn tại những lỗ hổng về pháp lý và một số cá nhân, tổ chức lợi dụng lỗ hổng này để lách luật, đặc biệt là đối với hoạt động phát hành riêng lẻ.
Điển hình như quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ áp dụng với nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực tài chính và có kinh nghiệm đầu tư, khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.
Tuy nhiên, trên thực tế một số nhà đầu tư cá nhân không chuyên đã mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại).
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, một số công ty chứng khoán lách luật, “biến” nhà đầu tư không chuyên thành chuyên nghiệp với chi phí chỉ khoảng 4 - 6 triệu hoặc có tổ chức nhận toàn bộ lượng phát hành, ký hợp đồng hợp tác đầu tư để lách.
Ông Hà hiện đang là đại diện cho một số nhà đầu tư để bảo vệ quyền lợi khi mua trái phiếu của một số doanh nghiệp dính vào những vụ lùm xùm trong thời gian qua.
Mới đây, Bộ Tài chính cảnh báo các nhà đầu tư cần thận trọng khi tham gia các hợp đồng hợp tác đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cùng với các cá nhân, tổ chức nào khác.
“Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không”, Bộ Tài chính cảnh báo.
Còn ở góc độ người mua trái phiếu, nhiều người cũng chỉ quan tâm đến lãi suất thay vì các rủi ro đi kèm, hay thậm chí là việc trái phiếu đó có tài sản đảm bảo hay không.
Ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT AzFin nhận định “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn non trẻ và có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp coi đây là một "bữa tiệc" để lợi dụng vốn nhà đầu tư”.
Doanh nghiệp xử lý sẽ sao đáo hạn nợ trái phiếu khi ngân hàng siết room tín dụng?
Trả lời câu hỏi này, trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết cho biết khối lượng đáo hạn trái phiếu từ nay đến cuối năm là một con số khổng lồ. Theo khảo sát, một số doanh nghiệp chuẩn bị nguồn vốn nhất định đảo hạn, một số khác thì phát mại tài sản. Một số doanh nghiệp đang chờ đợi sửa đổi Nghị định 153 để phát hành trái phiếu đợt mới để đáo hạn. Phần còn lại chưa biết thế nào.
Tờ VnEconomy dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.
Với những trái phiếu không có biện pháp bảo vệ trong khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, nhà đầu tư đứng trước nguy cơ mất tiền.
Ông Hà nhận định: “Thông thường doanh nghiệp sẽ bán tài sản bảo đảm, một số khác thì có bảo lãnh thanh toán để trả nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với những trái phiếu không có hai biện pháp bảo vệ đó thì tương đôi rủi ro. Nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì nhà đầu tư coi như mất tiền”.
Tăng cường quản lý không có nghĩa là siết chặt thị trường vốn
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh room tín dụng bị siết lại, còn doanh nghiệp thì đang khát vốn hơn bao giờ hết, nhiều chuyên gia cho rằng cần có cơ chế tăng cường quản lý, tính minh bạch của kênh trái phiếu thay vì siết chặt như hiện nay.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam , Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định: “Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn khác trái phiếu, cổ phiếu.., còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam”.
Một số ý kiến cho rằng nên đẩy mạnh kênh phát hàng qua công chúng thay vì kênh phát hành riêng lẻ để hạn chế rủi ro. Bởi, trái phiếu doanh nghiệp phát hành qua công chúng là trái phiếu đã được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết khảo sát công tác xử lý hồ sơ của UBCKNN cho thấy khối lượng công việc quá lớn, kể cả phát hành trái phiếu cho đến niêm yết trên sàn. Với năng lực xử lý hiện tại của họ thì không có khả năng làm nhanh được. Một bộ hồ sơ lẽ ra xử lý trong vòng 1 tuần thì mới có ý nghĩa, nhưng hiện nay phải mất 6 tháng - 1 năm.
Theo các chuyên gia, để thị trường trái phiếu lành mạnh và minh bạch hơn, vai trò của các công ty xếp hạng tín nhiệm cần để cao bởi đây là thị trường rủi ro và khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư là khác nhau.
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Quan trọng nhất của trái phiếu doanh nghiệp là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Vấn đề là nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau”.
Như vậy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm giống như bác sĩ xét nghiệm sức khoẻ doanh nghiệp, còn việc lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp nào là quyết định và khẩu vị của từng nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc tìm ra tổ chức xếp hạng uy tín cũng đang là câu hỏi lớn.
“Nhiều người nói phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm để lấy niềm tin, vậy niềm tin đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra? Do đó, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn”, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong châu Á cũng có những đơn vị xếp hạng uy tín và Việt Nam có thể học hỏi từ những đơn vị này.
“Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam”, ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận định.