2 năm qua, Bảo Toàn (26 tuổi) làm việc tại San Francisco, bang California, Mỹ. Từ khi còn học tập trên ghế nhà trường, anh đã đặt mục tiêu phát triển sự nghiệp tại nước ngoài.
Trước đây, nhân viên nội dung này từng làm việc tại Nhật Bản, Tây Ban Nha và Dubai (UAE).
"Môi trường làm việc quốc tế đòi hỏi ứng viên phải có sự lì lợm, chịu được áp lực cao và luôn cạnh tranh để chứng tỏ năng lực. Tôi chấp nhận điều này", anh chia sẻ với Zing.
Lựa chọn khác
Theo Bảo Toàn, anh lựa chọn làm việc tại nước ngoài vì kỳ vọng thu nhập tốt cùng cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở. Ngoài ra, các chế độ phúc lợi hào phóng cũng là một điều kiện để anh gắn bó với doanh nghiệp.
"Ở công ty hiện tại, tôi chỉ phải lên văn phòng một lần/tuần. Tôi cũng có thể đi du lịch, làm việc từ xa miễn là hoàn thành KPI. Mỗi nhân viên còn được cung cấp chế độ bảo hiểm chất lượng và chi phí dành cho việc tập luyện thể chất, tinh thần mỗi tháng", anh kể.
Tương tự, Lucas Trần (32 tuổi) cũng đặt yếu tố lương, thưởng và phúc lợi lên hàng đầu khi quyết định làm việc tại một tập đoàn công nghệ ở Singapore.
Anh cho biết công ty không chỉ chi trả bảo hiểm ngoại trú cho nhân viên mà còn cho cả gia đình và người thân. Những nhân sự xuất sắc được tặng phần thưởng là cổ phiếu của doanh nghiệp.
"Thuế thu nhập cá nhân tại Singapore hiện tương đối thấp, vì thế tôi tiết kiệm được khá nhiều", anh tâm sự thêm.
Đặc biệt, đối với Lucas, công việc tại công ty lớn ở nước ngoài chính là cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn và tạo dựng mối quan hệ trong ngành. Anh cho biết mình được mở ra cơ hội nghề nghiệp. Nếu phải chuyển đổi việc làm, anh không còn áp lực bởi có nhiều nhà tuyển dụng chủ động tìm đến.
Trong khi đó, với Hồng Thy (23 tuổi), cơ hội học hỏi, sếp tốt và môi trường chuyên nghiệp chính là yếu tố giữ cô ở lại Kentucky (Mỹ) sau khi tốt nghiệp đại học tại đây.
Cô bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc thiết kế đồ họa và chụp cho các công ty quảng cáo.
Theo cô, Mỹ là "cái nôi" của ngành truyền thông thế giới. Tại môi trường này, những sản phẩm của cô có nhiều cơ hội tiếp cận nhãn hàng, dự án lớn. Nhờ đó, cô không chỉ phát triển năng lực, mà còn làm đẹp hồ sơ cá nhân.
Nhiều khó khăn
Làm việc tại thị trường nước ngoài mở ra cho người trẻ nhiều cơ hội phát triển năng lực. Nhưng cùng với đó, họ cũng phải chịu nhiều áp lực về sự cạnh tranh, khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ và nhiều vấn đề khác.
Bảo Toàn cho biết khi làm việc tại Tây Ban Nha, anh từng trải qua giai đoạn khủng hoảng bởi không thể giao tiếp công việc bằng tiếng bản địa.
"Thời gian đầu, tôi tự ti về cách phát âm của mình. Điều này khiến tôi ngại giao tiếp, thuyết trình, thậm chí là tám chuyện với đồng nghiệp", anh nói.
Bên cạnh đó, khi làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau, Bảo Toàn không chỉ cạnh tranh với những người bản địa - vốn đã am hiểu về văn hoá, ngôn ngữ của đất nước, mà còn phải thi đua với những lao động nước ngoài như mình.
Để trở thành sự lựa chọn tốt hơn, anh lao đầu vào học ngoại ngữ, tăng cơ hội giao tiếp với cấp trên, đồng nghiệp.
Khi chưa nói được những câu dài, từ khó bằng tiếng bản địa, anh cố gắng nói ngắn nhưng dễ hiểu, đi đúng trọng tâm.
"Cần lì lợm và kiên trì tìm kiếm cơ hội để chứng minh bản thân, như thế mới có thể đáp ứng được môi trường làm việc tại nước ngoài", anh nói.
Còn với Lucas, khó khăn lớn nhất khi anh bắt đầu công việc tại Singapore chính là những thủ tục về mặt pháp lý. Anh tốn nhiều thời gian, công sức để hoàn tất giấy tờ làm việc hợp pháp, thuyên chuyển công việc từ Việt Nam sang nước ngoài.
Không chỉ vậy, anh còn gặp trở ngại khi xây dựng cuộc sống mới xa nhà. Chỉ có một mình nơi đất khách, anh nhiều lần không tránh khỏi cô đơn, nhớ nhà và người thân.
"Sau một thời gian khá dài, tôi mới có thể bắt đầu kết nối với cộng đồng người Việt ở Singapore, tham gia các hoạt động thể thao với bạn bè bản địa và đi du lịch. Những hoạt động này thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực, giúp tôi dần cảm thấy Singapore như ngôi nhà thứ hai của mình", anh bày tỏ.
Quốc Anh (22 tuổi, quận 4, TP.HCM) lại đối mặt nỗi lo lớn về tài chính khi ra nước ngoài làm việc.
"Tôi cần một thời gian dài để ổn định thu nhập, cuộc sống. Những tháng đầu tiên, tôi vay tiền từ gia đình để trang trải chi phí nhà ở và chi tiêu hàng ngày", anh tâm sự. Quốc Anh đặt kế hoạch ra nước ngoài làm việc ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
Xu hướng
Theo các nhà kinh tế học, trục xoay hội nhập và phát triển ưu ái châu Á trong những năm gần đây, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người trẻ trong khu vực học tập và phát triển.
Đa phần các công ty quốc tế, tập đoàn đa quốc gia đều tìm kiếm nhân sự trẻ có học vấn cao và tư duy mở. Nhiều quốc gia có tỷ lệ người trẻ công tác và làm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp tăng cao.
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới vào năm 2019, Thái Lan có tới 60% người trẻ mong muốn được phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, Philippines xếp thứ 2 với 52,9%.
Theo các chuyên gia, người trẻ tìm kiếm cơ hội tại nước ngoài vì tâm lý khao khát học các kỹ năng mới, nâng cao kiến thức chuyên môn và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau.
Không chỉ có các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc cũng coi xu hướng này như một phần quan trọng trong chiến lược thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.
Chính phủ liên kết với hơn 70 quốc gia để tạo điều kiện công tác cho những chuyên viên, sinh viên có học vấn cao tới làm việc. Đáng chú ý, năm 2019, Hàn Quốc chủ động đưa 5,783 sinh viên ra nước ngoài để sinh sống và phát triển sự nghiệp.