Triển vọng tích cực
Cách đây vừa đúng một tháng, S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên BB+ với triển vọng “Ổn định”. Giải thích lý do, S&P cho biết: “Triển vọng Ổn định phản ánh kỳ vọng của chúng tôi rằng trong 12-24 tháng tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi sau những thách thức do đại dịch gây ra trong hai năm qua”. Cụ thể, S&P dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,9% trong năm nay, trước khi tiến đến xu hướng tăng trưởng dài hạn trong khoảng 6,5% - 7% từ năm 2023 trở đi.
Nhìn nhận không kém phần lạc quan, báo cáo kinh tế toàn cầu vừa công bố của ICAEW và Oxford Economics dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay ở mức 6,5% và có thể bật lên mức 8,3% trong năm 2023.
Trong khi đó, bản tin cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Nền kinh tế duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài tại Ucraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt”.
Nhận định này dựa trên những tín hiệu ngắn hạn tích cực của diễn biến tình hình kinh tế tháng 5 mà WB ghi nhận, khi sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc (tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước); doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bật tăng mạnh (tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước), cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng trong nước; giải ngân vốn FDI vẫn tăng mạnh (tăng 8,5%, và ghi nhận tháng tăng thứ 6 liên tiếp); lạm phát nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4%; tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% so cùng kỳ năm trước trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5; thu ngân sách tiếp tục khả quan…
Hay như tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 22/6 vừa qua, bà Michele Wee - Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam cho biết, ngân hàng này hiện vẫn duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế 6,7% cho năm 2022 và 7% năm 2023 như đã đưa ra trong báo cáo nghiên cứu công bố đầu năm nay. “Chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, không chỉ trong năm nay mà cả năm tới”, bà Michele Wee nói.
Dẫn ra nhiều tín hiệu tích cực để cho thấy nền kinh tế vẫn có đà tăng trưởng tốt, nhưng trong đó CEO Standard Chartered Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiểm soát và quản lý đại dịch Covid của Việt Nam rất tốt đã giúp các hoạt động kinh tế trở lại bình thường và nền kinh tế về tổng thể đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. “Vì thế tôi tin rằng, khi nền kinh tế không còn bị đóng cửa vì đại dịch Covid, Chính phủ tiếp tục quyết liệt hành động để hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, hướng đến tương lai với những cải cách được tiếp tục thì tương lai của Việt Nam là rất tươi sáng”, bà Michele Wee tin tưởng.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù kinh tế Việt Nam đang có được đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng WB cảnh báo, trong ngắn hạn Việt Nam nên thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra. Đồng quan điểm này, CEO Standard Chartered Việt Nam cho rằng áp lực lạm phát từ phía nguồn cung, hay việc các nền kinh tế lớn tăng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát… đang gây ra những khó khăn rất lớn và là vấn đề mà cả thế giới phải đối mặt hiện nay.
Các tổ chức quốc tế đều cho rằng, Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong thương mại quốc tế cũng như trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng cũng vì lẽ đó nên tất nhiên những bất ổn hiện nay trên thế giới cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế trong nước. “Việt Nam sẽ không thể tách biệt (không chịu ảnh hưởng gì) từ các vấn đề như vậy. Nhưng tôi nghĩ, các tác động như vậy có thể sẽ có độ trễ đến Việt Nam và có thể về mặt CSTT, chúng ta sẽ thấy phải tăng lãi suất điều hành vào năm tới để ứng phó với các tác động này. Đây là vấn đề cần phải theo dõi sát. Tuy nhiên năm nay, tôi tin rằng ưu tiên của Chính phủ vẫn cần tập trung vào phục hồi các hoạt động kinh tế và giữ lãi suất thấp như hiện nay để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch”, bà Michele Wee cho biết.
Nhìn nhận vấn đề áp lực lạm phát gắn với tăng trưởng tín dụng, bà Michele Wee cho biết, Standard Chartered Việt Nam ủng hộ các định hướng của Chính phủ. “Chính phủ, NHNN hiện đang thúc đẩy tín dụng vào các lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, các DNNVV, lĩnh vực số hóa… Đây cũng là những lĩnh vực mà chúng tôi hướng tới để hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Thay vì tăng trưởng nhảy vọt, nếu chúng ta tăng trưởng bền vững và đúng đắn thì dù lạm phát có tăng nhưng nền kinh tế vẫn có tăng trưởng tích cực. Chúng ta cần tăng trưởng bền vững”, bà cho biết.
Kỳ vọng phục hồi nhanh nhưng phải trên nền ổn định cũng là điều mà Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính Việt Nam đặt ra trong điều hành. Như Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 mới đây khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, chắc chắn phải cân đối hài hòa giữa các giải pháp. Kể cả các giải pháp về điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá và các công cụ khác cũng cần phải điều hành, phối hợp đồng bộ và phải phù hợp với những diễn biến sao cho có lợi nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, nhưng không chủ quan đối với lạm phát”.
Trở lại với việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam của S&P vừa qua, tổ chức cũng cảnh báo: “Chúng tôi có thể hạ xếp hạng Việt Nam nếu điều kiện kinh tế xấu đi nhanh chóng hoặc có căng thẳng đáng kể trong hệ thống ngân hàng làm suy yếu nghiêm trọng vị thế tài khóa của Chính phủ, đẩy các khoản trả lãi vay vượt 10% tổng thu nhập của Chính phủ”.
Cảnh báo này một lần nữa cho thấy, làm sao hài hòa, phù hợp, linh hoạt và cân bằng để cùng lúc giữ được ổn định và tăng trưởng luôn phải trọng tâm trong điều hành, nhất là trong bối cảnh hiện nay.